Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

Chuyện đời, bánh đúc có xương. . .

Từ bé , tôi đã quen nghe câu ca dao “ Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, vậy mà lạ thay, dường như với má lớn của tôi – câu ca dao ấy có ý nghĩa ngược lại. Má tôi không sinh ra tôi. Nhưng tôi yêu má hơn cả mẹ đẻ ra mình. Khi tôi ra đời, tóc má đã nhuốm màu thời gian. Trên đôi vai còng ấy , má tôi gánh cả giang sơn nhà chồng với 12 lần sinh con – 8 trai , 4 gái – nhưng chỉ nuôi được mỗi mình chị Hai tôi mà chị cũng nhiều lần đau thập tử nhất sinh. Má tôi không nuôi được con trai để lo chuyện nối dõi tông đường cho ba tôi, vì vậy mà má tôi – chứ ko ai khác – đã hai lần bưng trầu cau đi hỏi và cưới vợ cho chồng. Người mẹ kế má tôi- sau khi sinh được một người con gái chỉ hơn ba năm tuổi –là chị Tuyết tôi bây giờ - cũng đã qua đời vì bạo bệnh. Vậy là má tôi ẵm bồng, một tay má nuôi chị Tuyết tôi khôn lớn như con mình rứt ruột đẻ ra , và lại tiếp tục đi cưới vợ cho chồng- người đó là mẹ đẻ tôi. Không biết tâm trạng của má tôi lúc mang trầu cau đi cưới vợ lẽ cho chồng như thế nào- nhưng quả thật – nếu là tôi , tôi đã không thể làm thế.
Mẹ tôi mang thai bốn lần cả thảy nhưng cũng chỉ sinh được hai đứa con gái là tôi và Út. Nghe mẹ tôi kể lại, cái bào thai mà mẹ tôi đánh mất trước tôi và sau tôi đều là con trai- và khi mẹ tôi nằm một chỗ vì sẩy thai - má tôi lại là người ở bên cạnh chăm sóc vỗ về và an ủi mẹ tôi. Vậy mà những nỗ lực của má tôi cũng ko được đền đáp , bởi lẽ cuối cùng ba tôi cũng ko có được một mụn con trai nào. Có lẽ , đó là nỗi day dứt lớn nhất của má tôi từ khi lấy chồng đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Từ khi biết đi rồi lớn dần lên, tôi chưa bao giờ thấy má tôi và mẹ tôi cãi nhau bao giờ. Và hai người đối xử với nhau như chị em gái. Má tôi bao giờ cũng gọi mẹ tôi là mụ – như cái cách chị gọi em gái đã có chồng ở quê tôi. Khi mẹ tôi về với ba tôi thì mẹ cũng đã một lần đò và có ba đứa con là hai anh và chị Nga tôi bây giờ. Vì vậy tôi được đưa về ở với mẹ và các anh . Mẹ tôi vốn tham công tiếc việc, lại có mấy sào ruộng ông bà ngoại chia cho ở quê nên hầu như mẹ tôi vắng nhà. Tôi được thả rong chơi với lũ trẻ trong xóm và gặp gì ăn nấy. Cứ chiều chiều, tôi thường ra ngõ đứng ngóng về phía cuối đường chờ má tôi đi bán ở chợ Hội An về ngang qua nhà . Bởi trong gánh hàng của má bao giờ cũng có cái ăn má dành cho tôi. Khi thì ổ bánh mì thịt, lúc đòn chả hoặc mấy củ khoai, củ sắn. Tôi lăn lóc như vậy đến năm vào lớp Một thì má tôi đem tôi về ở với ba má và Út. Khỏi phải nói là tôi vui sướng đến mức nào. Hồi ấy tôi hay bị chốc lở trên đầu. Hàng ngày má tôi đi hái lá ổi về giã và nấu nước gội đầu cho tôi. Vị thuốc dân gian ấy của má đã giúp tôi hết chốc đầu và mau liền sẹo.
Có thể nói với tôi, khoảng thời gian được sống với ba má là hạnh phúc nhất. Từ nhỏ tôi có tật hay dỗi và hễ dỗi là nhịn ăn. Và chỉ có má tôi mới đủ kiên nhẫn để dỗ dành tôi. Tôi và con Út muốn gì má cũng chìu. Tôi nhớ có lần má đi Sài Gòn mua về cho tôi một chiếc áo đầm màu xanh da trời có thêu hai đường kim tuyến chạy dọc hai bên thân áo rất đẹp. Chiếc áo đẹp như mơ ấy tôi chỉ khoác vào duy nhất một lần và phải cởi ra vì quá chật so với cái thân voi đồ sộ của tôi. Vậy là con Út được chiếm hữu. Tôi tiếc và đâm ra giận dỗi. Má tôi mất cả buổi chiều dẫn tôi đi chợ Hội An để tìm chiếc áo khác thay thế. Nhưng tìm mãi vẫn ko thấy, vậy là tan tành ước mơ được mặc áo đầm của tôi. Má tôi nhìn tôi khóc mà mắt rưng rưng nói với tôi ” Con to mà má lại mua cỡ nhỏ , biết rứa hồi nớ má mua luôn mấy cái đem về, tại má tiếc tiền, má giận má quá” . Và như để chuộc lỗi với tôi , má dắt tôi vào hiệu sách Trùng Dương ở gần chợ và nói với tôi, con thích quyển gì cũng được , má mua hết cho con. Vậy là tôi vơ ngay cuốn Luận tuyển và một đống truyện tranh mà tôi vốn thèm thuồng từ bấy lâu. Hồi nhỏ tôi có tật mê sách, mà hồi ấy làm gì có sách để đọc nên cứ đến nhà nào vơ được quyển gì tôi cũng đọc ngấu nghiến kể cả tiểu thuyết tình cảm, truyện kiếm hiệp. . .Và quyển Luận tuyển má mua cho tôi ấy đã giúp tôi học giỏi môn Văn ngay từ hồi còn tiểu học. Tôi nhớ hồi tôi học lớp Nhì ( lớp 4 bây giờ ), anh Huỳnh Sơn Kỳ - con bác tôi – là hiệu trưởng trường tiểu học của tôi đã chở tôi đi thi học sinh giỏi Văn của quận Hiếu Nhơn ( thị xã Hội An bây giờ). Đề văn ra cho học sinh là bình giải hai câu ca dao “ Mẹ già như chuối ba hương ; như xôi nếp mật như đường mía lau “. Tôi đã viết một mạch bốn trang giấy học trò về người mẹ trong hai câu ca dao ấy qua hình tượng má tôi – và bài văn đó được cho 14 điểm. Ngoài phần thưởng của quận, tôi còn được tặng một năm tập san Thằng Bờm ( do Nguyễn Vỹ làm chủ bút). Ko thể tả được niềm vui của tôi. Và má tôi không hề biết rằng chính má là nguồn cảm xúc dạt dào để tôi viết bài văn đó.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cuối năm học lớp Năm của tôi, má tôi bị xuất huyết não và dù đã cố gắng chữa chạy nhưng một nửa thân hình của má bị liệt và cổ họng cũng ko thể phát ra tiếng nói. Má tôi chỉ còn cử động được tay trái và ú ớ như một đứa trẻ lên ba. Mọi chuyện ăn uống, vệ sinh của má phải có người giúp đỡ. Tội nhất cho má là ko thể nói những điều mình muốn và cũng ko ai biết má tôi muốn gì.Mỗi lần như vậy, nhìn má nước mắt ngắn dài, ai cũng mủi lòng. Còn tôi chỉ biết khóc. Tuy nhiên tôi vốn là đứa nhanh trí nên chỉ trong một thời gian ngắn chỉ nhìn cái cách má tôi ú ớ, chỉ chỏ tôi đã biết má muốn gì rồi. Nhưng cái tật ham chơi đã làm tôi lờ tịt những yêu cầu của má. Tôi giả vờ ko biết chỉ để ko làm những việc má cần mà chạy đi chơi.
Có một chuyện làm tôi ân hận đến mãi bây giờ. Đó là tôi đã làm trôi mất cái áo đẹp nhất của má mà ko dám nói sự thật. Hồi đó má tôi có một cái áo xoa Pháp màu nâu rất đẹp, thỉnh thoảng có đám tiệc gì má tôi mới mặc. Khi má tôi đau nằm một chỗ, áo quần của má và của cả nhà do tôi giặt giũ. Nhà tôi ở sát sông Hoài nên tôi thường đem áo quần ra sông giặt. Buổi sáng nước sông lên, tôi ngồi trên chiếc cầu gỗ giặt đồ, ko hiểu sóng đánh thế nào mà chiếc áo xoa của má trôi ra xa khỏi tầm tay của tôi. Tôi lúng túng vì ko biết nhờ ai vớt giùm.Nếu mình lội ra thì uống nước là cái chắc. Vậy là tôi để sóng cuốn cái áo của má trôi tuột về phía xa. Buổi chiều lúc đem áo quần khô vào, má tôi tìm ko thấy cái áo và đập vào tay tôi ú ớ. Tôi biết là má muốn hỏi chiếc áo ấy ở đâu. Vậy mà tôi ko dám nói là mình đã làm mất, tôi lờ đi như ko biết gì. Má tôi khóc vì tiếc chiếc áo. Còn tôi, ko dám mở lời nhận lỗi. Chuyện đó day dứt trong tôi mãi đến bây giờ. Giá mà tôi nói thật thì má tôi ko đau lòng đến thế.
Lên lớp 6, mẹ tôi đem tôi về quê ngoại ở với cậu để được đi học tiếp, tôi đã khóc như mưa khi ôm cái túi áo quần lủi thủi ra khỏi nhà. Ấn tượng đọng lại trong tôi là khuôn mặt nhòe nhoẹt nước và đôi mắt đỏ hoe của má dõi theo tôi đàng sau khuôn cửa sổ má tôi vẫn ngồi hàng ngày. Tôi về quê ngoại ở mà chiều chiều vẫn lẻn ra bờ sông đứng nhìn về phía Hội An mà nước mắt ngắn dài . Tôi nhớ má , nhớ ba, nhớ con Út , nhớ cả đôi đôi đũa bếp vẫn thường hay nấu cơm hàng ngày. Hai câu ca dao “ Chiều chiều ra đứng ngõ sau; Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều “ sao mà giống với tôi hồi ấy đến thế. Ở nhà cậu, lâu lâu tôi mới được về thăm nhà. Mỗi lần tôi về, cánh tay còn lại của má cứ kéo tôi vào lòng, xoa đầu, xoa trán, xoa những vết bỏng trên tay tôi và miệng má thì xuýt xoa. Nhìn ánh mắt của má , tôi hiều má muốn nói rằng, giá mà má ko tật bệnh thì tôi đã ko vất vả như thế. Tôi thương má vô cùng.
Má tôi qua đời khi tôi đang học lớp 9. Và đến bây giờ, khi tôi đã là mẹ của hai đứa con gái, tôi càng hiểu má tôi đã thương tôi như thế nào. Hình ảnh má với mái tóc bạc phơ còng lưng gánh hai thúng bánh ú đi trước, thỉnh thoảng chậm lại để chờ tôi theo cùng như còn mãi trong ký ức của tôi.