Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Món nợ cuộc đời

Mới đó mà đã gần 25 năm tôi đi làm báo. Cái nghề mà tôi đã chọn như một sự chọn lựa tất yếu để bước vào đời. Trong suốt những năm đi làm báo, tôi- cái cô phóng viên cao cao, to to, đi nhanh và nói nhanh như cái máy khâu ( hồi mới vào nghề tôi béo tròn, béo trục, nặng những 62kg) – như một số anh em ở cơ sở vẫn quen gọi – đã đi ko biết bao nhiêu lần về các xã vùng sâu, vùng xa ở khắp địa bàn của Quảng Nam- Đà Nẵng , Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung. Và mỗi lần đi về như vậy, tôi luôn mang trong mình một cảm giác có lỗi với người dân quê tôi. Và cái món nợ cuộc đời ấy, dường như với tôi – khó mà trả nổi.
Những năm 80, ai cũng nghèo. Mỗi lần đi công tác, tôi mang theo chiếc xe đạp cọc cạch của mình. Hễ đi vùng nào khoảng cách chừng 50 cây số trở lại, tôi đạp xe. Còn nếu xa hơn thì bỏ xe đạp lên xe đò. Mỗi lần đến nơi, chiếc xe đạp cà tàng của tôi ko còn hình thù gì, sên đi đằng sên, líp đi đằng líp. Mò mẫm cả buổi mới sửa xong cái xe thì hai bàn tay đen thui những dầu mỡ. Tôi nhớ cái lần đi chống hạn ở Bình Sa ( huyện Thăng Bình ) vào tháng 7.86. Năm ấy trời nắng như đổ lửa suốt 3 tháng, đồng ruộng ở quê tôi trơ khấc, nứt nẻ dưới nắng hạn; đến khoai lang – một loại cây chịu hạn mà cũng ko mọc nổi. Dân đói. Và cả tỉnh QN-ĐN tập trung sức chống hạn bằng mọi giá. Vậy là toàn dân đổ xô đi đào ao, tát nước, quần quật cả đêm lẫn ngày để cứu lúa, cứu khoai.
Tôi được tòa soạn phân công về vùng cát Thăng Bình viết về chống hạn. Đạp xe gần 70 cây số từ Đà Nẵng về đến xã Bình Sa trong cái nắng chói chang của xứ biển, mắt tôi mờ đi vì nắng, vì khát. Lấy đủ tư liệu cho bài viết thì đã 2g chiều. Bụng réo như sôi. Xã nghèo, dân ăn khoai trừ bữa. Lúc tôi xong việc thì nhà ai cũng đóng cửa đi tát nước. Tìm khắp nơi vẫn ko có hàng quán gì có thể ăn tạm. Tôi định đạp xe về , nhưng anh chủ tịch xã nằng nặc kéo tôi về nhà anh. Vợ anh vét mãi trong chum mới được hơn lon gạo và bắc bếp nấu cơm cho tôi. Bữa cơm chị nấu vội hôm ấy chỉ có cơm ăn với muối mè- mà toàn muối chứ ko có đường- tôi vừa ăn vừa nghẹn và quay đi để cả hai vợ chồng anh chủ tịch xã ko thấy nước mắt tôi lăn ra. Tôi thấy xấu hổ với bà con. Họ phải đào ao, vét từng giọt nước hiếm hoi để tưới và ăn nhín từng củ khoai trừ bữa, còn mình ko làm gì mà lại được ăn cơm trắng. Bài báo của tôi viết dù hay đến đâu cũng ko thể thay trời làm mưa. Mà họ thì đang cần nước tưới. Tôi thấy mình mắc nợ họ.
Và một lần vào tháng 9.1995, tôi về làng cá Bình Minh. Trong khi chờ thuyền đánh cá về bến buổi chiều, tôi lang thang khắp làng như một thói quen ko bỏ được khi về cơ sở. Anh cán bộ thôn dắt tôi vào một ngôi nhà- một túp lều rách thì đúng hơn. Túp lều ấy gá tạm vào bờ tường của một ngôi nhà thờ họ. Đó là nhà của bà mẹ VN anh hùng tên Nguyễn thị Diên- 78 tuổi. Anh cán bộ thôn giới thiệu mẹ Diên sống một mình bởi chồng mẹ là du kích hy sinh thời chống Pháp. Đứa con trai duy nhất của mẹ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Bây giờ mẹ sống nhờ vào số tiền trợ cấp cho các đối tượng chính sách mà cũng phải tằn tiện lắm mới đủ ăn. Tôi phải khom lưng mới bước vào được căn lều chỉ rộng chừng 3m2. Nhìn quanh quất, chỗ ở của mẹ Diên chẳng có gì đáng giá ngoài cái chăn len trên chiếc chõng tre cũ nát và cái bằng khen của Chủ tịch nước treo trên bức phên tre ( cái chăn là quà tặng của tỉnh nhân dịp mẹ được phong tặng bà mẹ VNAH). Như một thói quen, tôi khom lưng bước xuống bếp. Một niêu cơm bé xíu nguội ngắt bắc chỏng chơ trên ba hòn gạch làm bếp. Mớ lá dương liễu khô làm củi đun nằm vương vãi bên cạnh. Trên cái gióng mây treo trên vách bếp, tôi mở ra xem chỉ có một chén mắm cái ăn dở. Tôi ngồi thừ ra, mẹ sống cơ cực thế này sao chịu nổi. Chờ chừng 10 phút, mẹ đang cào lá dương làm cái đun bếp , nghe mấy đứa con nít nói có khách tới thăm vội te tái chạy về. Mẹ gầy, đen với mái tóc chỉ còn những sợi bạc nhưng ánh mắt vẫn còn tinh tường. Tôi sà xuống bên mẹ hỏi đủ thứ như đứa con đi xa trở về. Tôi hỏi mẹ ăn uống ra sao, mẹ cười móm mém, “mẹ nấu lon gạo ăn cả ngày, thức ăn thì cá vụn hoặc mắm, mẹ già rồi , ăn chi ko được. Tao ăn rứa mà sống tới bảy mấy tuổi rồi, bây lo chi”. Hỏi riết mới biết mẹ khi nhớ , khi quên. Có bữa nấu cơm chờ chín, mẹ qua nhà hàng xóm chơi, lúc về cứ nghĩ mình ăn cơm rồi, lên giường đi ngủ, sáng ra thấy nồi cơm còn y mới biết tối qua mình nhịn đói đi ngủ. Tôi nghe lòng nghẹn thắt. Tôi hỏi mẹ số tiền 3 triệu của tỉnh hỗ trợ cho mẹ hôm trao bằng chứng nhận Bà mẹ VNAH mẹ làm gì rồi, sao ko lấy tiền đó ra mua thức ăn, mua áo quần mặc. Mới hay, mẹ cho hàng xóm mượn làm ăn hết rồi. Tôi ngạc nhiên: Tiền của mẹ, mẹ ko để bồi dưỡng sức khỏe, cho họ mượn, lỡ họ ko trả thì sao. Mẹ cười hiền lành: Bà con họ cực khổ họ mới vay mượn, chứ ai giàu mà đi mượn tiền hả con. Mẹ ăn gì cũng qua ngày. Họ làm ăn được họ trả thì tốt, còn ko thì thôi. Mẹ cần gì tiền đó mẹ cũng sống được mà, cái tình mới quan trọng chứ con. Tôi nghe mẹ nói, nước mắt trào ra và tự trách mình suy nghĩ thật nhỏ nhen, ích kỷ. Ngồi với mẹ một lúc, tôi chào mẹ ra về. Trong túi có mấy chục nghìn, định mua cho Bầu món đồ chơi mới – tôi vét hết gửi biếu mẹ ăn trầu. Hình bóng mẹ Diên và câu nói của mẹ cứ bám theo tôi mãi đến bây giờ. Và tôi thấy như mình có lỗi với mẹ.
Trong suốt những năm đi đây, đi đó, những con người mà tôi đã gặp , đã nói chuyện đã cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Từ một cậu bé 16 tuổi mà trông quắt queo như một đứa trẻ lên 10 ở Tuy Phước ( Bình Định ) phải nuôi hai đứa em ăn học vì ba mẹ chúng đã bị lũ cuốn trôi trong cơn lũ lớn tháng 11 năm 1999. Cái cậu bé vừa làm bố vừa làm mẹ ,chân đi đôi dép rách xin của người lớn ấy mỗi bữa chỉ dám ăn lưng chén cơm - vì gạo của xã cấp cho cả ba anh em chỉ có 10kg/tháng - anh phải ăn nhín để dành cơm cho em. Tôi đã ôm em và khóc sướt mướt trong suốt buổi lễ trao học bổng mà báo tôi tổ chức dành cho học trò nghèo vùng bão và có bao nhiêu tiền trong túi lại vét sạch cho em. Tôi chỉ có thể làm vậy mà ko thể giúp gì hơn cho em bởi tôi còn một gia đình phải lo.
Và còn biết bao thân phận khác mà tôi đã gặp. Họ có chung một cái nghèo nhưng tấm lòng họ thật tốt và thật bao dung. Những con người mà tôi đưa vào bài viết của mình luôn tạo cho tôi nhiều ấn tượng về lòng tốt, sự vị tha và cách sống để làm người. Tôi học ở họ rất nhiều và tự hào nhờ có họ mà tôi trưởng thành trong nghề nghiệp, trong cuộc sống. Nhưng tôi đã làm gì được cho họ ngoài một số bài viết mà tôi không chắc rằng nó sẽ giúp cho họ bớt nghèo, bớt khổ, bởi tôi chỉ là một người làm báo- tôi chỉ có thể làm được những điều mà nghề nghiệp của tôi cho phép. Và tôi luôn thấy mình mắc nợ họ- món nợ cuộc đời.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Hội An trong lòng một người Hà Nội

Bác Trinh (Vũ Thục Trinh- chủ nhân của triển lãm ảnh "Hội An trong lòng một người Hà Nội") là người mà mẹ Bầu Bí đã viết trong entry Chị và em. Mẹ Bầu Bí viết bài này (đăng trên Tuổi Trẻ sáng nay - 6/6/2009) để tri ân chị mình - người đã yêu Hội An như mẹ Bầu Bí yêu Hà Nội vậy.



Đó là chủ đề triển lãm ảnh đầu tay về Hội An (từ 4 đến 7-6 tại vườn tượng bên sông Hoài) của tác giả Vũ Thục Trinh trong khuôn khổ lễ hội "Quảng Nam
- hành trình di sản" lần 4.

Vũ Thục Trinh tâm sự: " Lần đầu tiên tôi đến Hội An cách đây đã ngót hai chục năm. Ngay từ "lần đầu tiên" ấy, tôi biết rằng mình đã phải lòng Hội An. Để rồi từ ấy đến nay, không biết bao nhiêu lần tôi đã quay trở lại. Mỗi lần về là mỗi lần khám phá thêm ở Hội An một cái gì đó thật gần gũi, thân thương như thể có một Hà Nội 36 phố phường thân thương của tôi ẩn mình đâu đó. Lại như thể có một Hội An hoàn toàn đặc biệt, khác biệt, khó trộn lẫn mà chỉ riêng Hội An mới có được".


Đã có rất nhiều triển lãm ảnh của các tác giả với nhiều góc nhìn về Hội An. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của triển lãm "Hội An trong lòng một người Hà Nội"  của Vũ Thục Trinh với các tác giả khác không chỉ vì chị là tác giả nữ đầu tiên có triển lãm riêng về Hội An, mà chính là sự cảm nhận của người dân Hội An về những bức ảnh mà họ là nhân vật chính trong đó. Ngày đầu tiên khai mạc, trong số hàng trăm lượt người đến xem triển lãm thì có đến hơn 2/3 là cư dân phố cổ, Họ xem ảnh rất chăm chú, và thỉnh thoảng lại có tiếng xuýt xoa reo vui khi thấy nhà mình, người quen có mặt trong các bức ảnh. Anh Lê Lý, một người dân ở phố cổ, sau khi xem hết 45 bức ảnh tại triển lãm đã nhận xét: Những tấm ảnh này rất quý vì đã chụp lại những góc phố, những cảnh sinh hoạt bình dị của Hội An trong những năm trước đây
, khi Hội An chưa phát triển du lịch mạnh mẽ như bây giờ.

Có thể nói những góc nhìn về Hội An trong triển lãm của Vũ Thục Trinh rất dung dị, đời thường. Một bà cụ đội nón lá, mặc áo dài xách giỏ đi chợ từ trong ngõ rêu bước ra như trong một câu chuyện cổ tích. Một bà cụ khác mái tóc bạc phơ ngồi bán con tò he bên vệ đường, hay một cụ già khác ngồi trầm ngâm trước hiên nhà nhớ về một thưở đã xa. Bàng bạc trong 45 bức ảnh của triển lãm là những con người bằng xương bằng thịt, đi lại, nói cười hằng ngày như họ đang hít thở không khí trong lành, yên ả của phố cổ từ bao đời nay.


Nói về những bức ảnh Hội An đã chụp từ gần 20 năm qua, tác giả bộc bạch: "Hội An những năm 1990 không còn cảnh náo nhiệt trên bến dưới thuyền của một thương cảng xưa, và cũng chưa sầm uất như bây giờ. Faifoo một thời vang bóng đã lùi về quá khứ, còn lại một Hội An "sống ẩn dật" bên thành phố cảng hiện đại - Đà Nẵng. Có lẽ nhờ thế mà Hội An còn giữ nguyên được nét cổ kính trầm mặc cho đến tận ngày nay. Hội An trong tôi là những con phố với những ngôi nhà cổ thâm thấp, mái ngói âm dương sẫm màu thời gian; là những giàn hoa giấy bò lan cả xuống những hàng lan can gỗ xinh đẹp. Hội An trong tôi là tiếng rao lảnh lót giữa trưa hè, gợi nhắc tôi về với Hà Nội cái thưở còn tàu điện chạy leng keng. Hội An trong tôi là những người dân hiền lành chất phác và cả cái nắng mưa thất thường của đất trời xứ Quảng"...
Và tác giả cũng trăn trở: "Chẳng biết có phải bởi sự đổi mới hằng ngày quá nhanh khiến cho lần nào về tôi cũng phải chụp như điên như dại, bởi lo rằng nếu không, một ngày nào đó cái đô thị xinh xắn bình yên bên bờ sông Hoài thơ mộng sẽ lại giống như Hà Nội của tôi bây giờ".

Hai mươi năm đi về giữa Hà Nội - Hội An, không biết bao nhiêu cuộn phim, không biết bao nhiêu tấm ảnh, cứ chụp mà chẳng thể nghĩ rằng có một ngày như hôm nay, mình lại được tham dự một cuộc triển lãm ngay giữa lòng đô thị cổ. 45 bức ảnh, 45 khoảnh khắc, có thể xem đó là tấm lòng tri ân của người con Hà Nội gửi về phố Hội, nhà báo nữ Vũ Thục Trinh nói mà ánh mắt rưng rưng.




Bà cụ Phạm Thị Ẩn (85 tuổi) - nhân vật trong bức ảnh "Bên ngõ rêu phong" khi hay tin mình được chụp ảnh và đưa vào triển lãm đã kéo mấy cụ già trong xóm tới xem. Cụ cười móm mém: "Tui già rứa mà cũng được lên ảnh". Ai nghe nói cũng bật cười.
Bên ngõ rêu phong - Ảnh: Vũ Thục Trinh

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Mít non nấu với cá chuồn





 Ở xứ Quảng quê tôi có câu ca dao:
Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Câu ca này tôi nghe từ ngày còn thơ dại, đến bây giờ, khi đã bước qua bên kia dốc cuộc đời, vẫn thấy gần gũi , thân thuộc như món mít non nấu canh cá chuồn ở quê nhà. Món ăn dân dã, mộc mạc đã gắn bó bao đời nay với người dân xứ Quảng, như một mối tình gắn bó keo sơn giữa rừng với biển – mít non gửi xuống,cá chuồn gửi lên.
Cá chuồn là loại cá nổi – thân nhỏ , ít thịt nhiều xương với hai vây lưng rất to . Loài cá này chỉ xuất hiện rộ vào mùa biển lặng sau tết âm lịch. Và cũng chỉ chừng một tuần trăng là hết. Cá chuồn có thể chế biến được nhiều món và dành làm thực phẩm cho mùa mưa gió. Cứ mỗi mùa cá chuồn rộ, mẹ tôi mua cả thúng về làm cá chuồn thính hoặc phơi khô. Mùa đông, trời mưa dầm, gió bấc, buổi trưa tan học chỉ muốn chạy ngay về nhà, dở vung nồi cơm chín tới, khua vội một bát cơm nóng với con cá chuồn thính  trong hũ mẹ để góc bếp. Ngồi bệt trên chiếc phản gỗ, ăn bát cơm nóng với cá chuồn thính, nghe mưa rơi trên mái ngói, gió rít từng cơn ngoài bụi tre sau hè , thấy mình hạnh phúc như Từ Thức lên tiên.
Cá chuồn chiên cũng là món khoái khẩu. Lựa loại cá chuồn gành (loại cá to, thân xanh biếc , vây dài) , rửa sạch, bóc mang, mổ tách bụng cá từ mang đến đuôi, lấy sống dao dần xương cho mềm và bẻ gập thân cá làm đôi. Giã một ít ớt xanh, nén, hành hương, nghệ củ với vài hạt muối cho nát, độn mớ gia vị hỗn hợp này vào bụng cá, cho vào chảo dầu chiên vàng. Dọn mâm cơm ra, giã một chén nước mắm ớt tỏi, dầm con cá chuồn chiên vàng ruộm, thơm nức vào trong chén mắm, ăn kèm với đĩa bầu luộc. Tôi dám cá rằng, sẽ không ai nỡ từ chối.
Cá chuồn dễ ăn, dễ nấu, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với mít non. Vào thời điểm cá chuồn rộ ở biển,thì trên nguồn, mít non cũng vừa tới độ căng tròn. Những quả mít vừa tượng hạt , tròn lẳn được hái xuống, dành riêng cho món canh cá chuồn. Mít non gọt hết vỏ, xắt thành từng lát mỏng , ngâm vào nước cho khỏi thâm đen. Cá chuồn đánh vảy, rửa sạch để ráo nước sau đó xắt thành từng khoanh nhỏ dài cở hai đốt tay. Ướp cá với nước mắm, muối, tiêu, hành hương và một ít nghệ bột chừng 15p. Bắc nồi nấu canh lên bếp, nước sôi bùng cho cá vào, cá sôi chừng ba phút cho mít non vào đảo đều, nêm một ít mắm cái vào nồi canh đang sôi, canh chừng đến khi những lát mít màu trắng trong chuyển sang màu đục là vừa chín tới. Nêm vừa ăn, nhắc xuống cho lá lốt xắt nhỏ vào. Dọn cơm ra mâm nhớ kèm một chén nước mắm dầm ớt xanh để ăn với cá. Canh mít non nấu cá chuồn có một mùi thơm rất khó tả. Cái vị chát của mít non như quyện với chất ngọt từ thịt của con cá chuồn tạo ra một vị ngọt lừ thấm đến tận chân răng.
Nếu ăn món canh hoài thấy nhạt miệng, có thể kho với mít non – đây cũng là món dễ đưa cơm. Cá chuồn tươi mua về làm sạch vây, cắt khúc ướp gia vị cho vào kho, đổ nước vừa ngập cá, kho chừng 5p khi cá vừa thấm thì cho mít non xắt từng miếng cỡ hai đốt tay vào . Để lửa liu riu cho đến khi nước kho cá thấm hết vào mít. Khi ăn, lát mít mềm với vị ngọt đậm đà như tan ra trên đầu lưỡi.  Bởi vậy mà dân gian xứ Quảng còn có câu :
Mít ngon nấu với cá chuồn
Chồng chan vợ húp khen ngon rần rần.



Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Nghĩ từ Côn Đảo

Từ ngày còn bé, Côn Đảo với những điều được học trong sách vở - đó là một nơi rèn chí khí cho những người yêu nước - đã là một hấp lực kéo tâm trí tôi về nơi ấy . Khác hẳn với suy nghĩ và tưởng tượng của tôi, khi vừa đặt chân xuống sân bay Cỏ Cú, một cảm giác bình yên rất lạ như xâm chiếm lấy tôi.
Vốn dân ở biển, tôi không lạ gì biển đảo. Nhưng với Côn Đảo, cũng biển- cũng đảo , nhưng nơi đây như chứa đựng nhiều điều kỳ bí. Đường vào nghĩa trang Hàng Dương chiều thứ 7, gió thổi ràn rạt trên tán lá rừng, trên những cành phượng vĩ nở đầy hoa đỏ , nghe như đang đi vào cõi hư vô. Tôi đã quen nghe gió rít mùa bão, gió vi vu mùa hè,nhưng dường như tôi cảm nhận gió ở Côn Đảo mang một âm hưởng khác- âm hưởng của hàng nghìn tiếng kêu gào đấu tranh đòi quyền sống, quyền làm người và khao khát tự do, khao khát đem lại những điều tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước. Nghía trang Hàng Dương với hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ không tên, dù đã rất chịu khó , nhưng tôi cũng ko thể thắp cho mỗi ngôi mộ một nén nhang mà chỉ biết thầm khấn cầu cho tất cả những linh hồn đang yên nghỉ trong gió cát ở dải đất gần như tận cùng ở cực đông tổ quốc được ngậm cười nên chín suối.
Hàng nghìn chí sĩ, sĩ phu yêu nước, những con người bất khuất trong nhà lao Côn Đảo đã gieo vào lòng tôi những cảm xúc khác nhau. Họ đã cống hiến cả quãng đời đẹp nhất của họ để đấu tranh đòi quyền sống , quyền làm người cho dân tộc Việt- song con cháu- lớp thế hệ hôm nay có bao nhiêu người tri ân họ.Đọc lại bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của cụ Phan Chu Trinh dán trên bức vách nhà bảo tàng Côn Đảo bỗng thấy dường như mình quá bé nhỏ , quá tầm thường.  
 Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan nào xá sự con con.
Bài thơ này cụ Phan làm khi bị giam cầm ở Côn Đảo và bị bắt đi làm phu đập đá những năm đầu thế kỷ 20 , từ năm học lớp Tám tôi đã bình giải và bài luận được thầy đọc mẫu trước lớp .Giá mà hồi ấy tôi đã được biết những gian khổ, hy sinh mà cụ Phan và các đồng sự của cụ đã trải qua thì chắc rằng bài văn của tôi sẽ không hời hợt như thế .
.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Những góc Côn Đảo




Mẹ Bầu Bí vừa có dịp ra Côn Đảo về nên post mấy tấm ảnh cho cả nhà xem. Nếu có dịp, mời cả nhà mình ra Côn Đảo chơi. :))