Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Viết cho em Bí tuổi 12

Mẹ vẫn hay gọi Bí là em Bí vì lúc mới bập bẹ biết nói, Bí muốn gì toàn xưng “ cho em Bí “, dù bây giờ em Bí của mẹ đã lên lớp 6 , bước sang tuổi 12 và tự đạp xe đến trường đi học . Mẹ sinh Bí vào 8g15 phút tối. Em Bí tuổi con trâu tuy vất vả nhưng sinh vào buổi tối thì số sẽ an nhàn.Mẹ đi lấy tử vi cho Bí nghe nói thế, mẹ cũng mong là vậy, chứ đừng long đong như mẹ, con gái út nhé!
Lúc mẹ sinh Bí, nhà mình đang khó. Chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ba vào Quảng Nam, mẹ vừa mang thai Bí lại vừa tất bật lo cho chị Bầu. May mà lúc ấy dì Út thấy mẹ vất vả nên ở lại với nhà mình. Lúc mẹ sinh chị Bầu,mẹ được nghỉ hết bốn tháng . Còn Bí, mẹ chỉ nghỉ đúng một tháng . Nhằm lúc mang thai Bí , căn phòng tập thể nhà mình ở chỉ hơn 10m2 lại tối tăm, ẩm thấp, chị Bầu đau ốm suốt, vậy là mẹ vay mượn bạn bè mua miếng đất để làm nhà. Lúc mẹ sinh Bí , giá đô la lên vùn vụt, mẹ sợ ko trả nổi nên bao nhiêu tiền dành để nghỉ sinh ,mẹ trả hết. Vậy là Bí vừa đầy tháng, mẹ đã phải đi làm rồi. Thương Bí quá mà ko biết làm sao. Một mình mẹ xoay xở lo cho cả nhà , ko đi làm thì lấy gì mà trang trải hả con, nên phải cố.
May mà em Bí ngoan, dễ nuôi nên mẹ đỡ áy náy. Mẹ nhớ lúc mẹ cai sữa cho em Bí, cơ quan mẹ tổ chức đi tham quan phía Nam, vậy là mẹ đi hai tuần. Mẹ đi được hai hôm, gọi điện về nhà, nghe dì Út nói Bí ở nhà xem phim Cánh đồng hoang trên tivi, thấy em bé đang bú mẹ liền vùa khóc vừa chỉ tay vào màn hình nói ” của em Bí, của em Bí”, mẹ nghe mà xót cả ruột vì nhớ con.
Bí đi học rất hay bênh vực các bạn yếu thế,nên được bạn bè gọi là “ Bí đại ca”. Bí sẵn sàng đánh lộn với các bạn trai để bảo vệ bạn mình. Năm Bí học lớp Ba, lớp Bí có bạn My do bị sốt bại liệt hồi bé nên một chân của My bị tật. Một số bạn trong lớp hay trêu chọc My là què.Bí tức lắm. Có một bạn gái trong lớp bắt nạt My, bắt My mỗi ngày đi học phải nộp cho bạn ấy 2 nghìn đồng mới cho My chơi với. My khóc và kể với Bí, vậy là Bí dọa bạn kia không được bắt nạt My nếu ko Bí sẽ thưa cô rồi thưa lên thầy hiệu trưởng . Lời dọa của Bí có hiệu lực, bạn My thoát nạn và xem Bí như ân nhân.
Mẹ hay kể cho chị Bầu và Bí nghe chuyện hồi nhỏ của mẹ nên Bí nhớ. Có lần, giữa buổi mẹ đi làm về, thấy Bí đang đứng trên cái ghế và cúi người trên bếp ga chiên xúc xích. Người Bí thấp mà bếp lại cao, đứng trên ghế trông rất chênh vênh, mẹ hoảng quá la con, Bí cãi lại: Chứ mẹ kể hồi nhỏ mới lớp Ba mẹ đã phải gánh nước, nấu cơm cho ông ngoại; chừ con học lớp Bốn rồi mà, con có còn nhỏ đâu mà mẹ sợ. Mẹ chịu, không nói thêm được lời nào,chỉ nhắc con cẩn thận kẻo hỏa hoạn.
Bí lên lớp 6, vậy là nghiễm nhiên cái xe đạp của chị Bầu trở thành của Bí. Hôm đầu tiên nhập trường, Bí đòi đi một mình tới trường chứ ko chịu mẹ chở đi. Mẹ sợ con gái đi không quen, nên chạy xe theo sau, Bí khoát tay bảo mẹ đi làm đi . Nhìn Bí đạp xe giữa phố đông người, mẹ lo đủ thứ. Buổi chiều con về, cả mẹ và dì Út cùng thở phào.Vậy là yên tâm. Bí nói con lớn rồi mà.Đúng là con gái mẹ lớn thật rồi.
Hôm nay, con bước qua tuổi 12. Hãy luôn là em Bí ngoan của mẹ, của dì Út và chị Bầu nhé , con gái út!

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Chị và em

Chị là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, xuất thân từ một gia đình buôn tơ lụa trên phố Hàng Ngang. Chị có làn da trắng mịn và một mái tóc đen nhánh dài ngang lưng với đôi mắt to tròn có ánh nhìn trong veo mà bất cứ cô gái nào cũng ước ao. Em là đứa con gái sinh ra lớn lên ở Hội An- một thị xã lặng lẽ đìu hiu ( ngày trước vốn được xem là thành phố dưỡng già chứ ko phải là một trung tâm du lịch nổi tiếng như bây giờ). Em tuy to con lớn xác nhưng tồ tuệch, bộc trực , chỉ được mỗi cái thật thà. Vào ĐH, cả khóa Báo 7 có đến 24 đứa con gái, nhưng cô nào cũng thấp bé nhẹ cân, chỉ có hai chị em to cao như nhau, lại cùng học chung lớp Báo viết nên chơi với nhau cho có bạn. Hai đứa ở hai vùng đất khác nhau, hoàn cảnh xuất thân khác nhau, vậy mà lại hợp nhau đến lạ. Chị ghiền cà phê, em ngày ba cữ cũng chìu .Chị thích lang thang, em cũng hay rong chơi. Chị hay cãi lý và thấy cái gì bất bình thì ko chịu được, em cũng ko thua khoản này. Và thế là hai chị em lúc nào cũng kè kè bên nhau cả lúc đi chơi lẫn trong lớp học. Hai đứa con gái to cao nhất lớp, lại hay chọn bàn đầu để ngồi, nên luôn là đối tượng theo dõi của các thầy. Thầy nào mà giảng bài hay thì luôn chọn hai đứa để biết bài giảng của mình có nhập tâm học trò hay ko. Còn các thầy trẻ, yếu bóng vía, hễ giảng bài có va vấp gì, nhìn con chị nhấm nháy con em là biết ngay là mình đang bị học trò soi. Hôm nào bài giảng chán, hai chị em nháy nhau chuồn đi uống cà phê hoặc trốn về phòng ngủ là y như rằng lớp bị thầy giáo CN chửi. Vậy mà chưa bao giờ hai chị em bị lớp trưởng phiền hà, bởi hai đứa đều là chỗ dựa tin cậy của cả lớp cả về các mặt.
Con em ở xa nhà, mỗi năm chỉ về được hai lần vào dịp hè và tết. Mà những năm ấy, Hà Nội khó khăn. Bếp ăn tập thể của trường chỉ có canh toàn quốc và vài ba miếng thịt Tam tạng ( đậu hũ kho thịt mỡ ). Con em luôn thèm đủ thứ, vậy là con chị tha lôi đủ thứ ở nhà vào từ mớ dưa cải, hũ cà muối cho đến bịch ruốc thịt. Cứ hễ thứ bảy, con chị lại còng lưng chở con em nặng hơn 60kg hơi trên đoạn đường hơn 8 cây số từ Cầu Giấy về nhà để hắn được ăn uống bù lại. Bố mẹ kêu con em là con nuôi và hai đứa em của chị coi con em như người nhà, vậy là đứa con gái mồ côi cha , thiếu tình yêu của mẹ lại có thêm một gia đình ấm áp. Mùa đông, Hà Nội rét như cắt da, con em ko quen chịu lạnh, hai chị em cùng kích cỡ áo quần, vậy là con chị có cái áo ấm nào đẹp cũng nhường cho em; có đôi giày mới biết con em thích, cũng để em đi trước. Con em quen được chị mình nhường nhịn,hễ thích cái gì là cứ cười cười ko nói, chị quen tính em nên luôn chịu phần thiệt về mình.
Lần đầu tiên con em đưa chị về quê cũng là lần thực tập đầu tiên của khóa. Hai chị em lăn suốt một tháng trong cái nắng như thiêu của mùa hè miền Trung. Con em là dân Hội An gốc, vậy mà đến khi đưa chị về nhà, hai đứa lang thang trong cái nắng gay gắt ban trưa để tìm góc chụp ảnh. Thấy chị mình xuýt xoa trước từng căn nhà cổ, góc phố rêu, lúc đó con em mới thấy Hội An của mình thật giá trị. Kết thúc một tháng thực tập ở báo QN-ĐN, chị đâm ra mê Hội An và hứa với em năm nào cũng sẽ về thăm Hội An . Bốn năm học vèo trôi, ngày đưa con em ra ga Hàng Cỏ về lại quê nhà, cả nhà chị kéo nhau ra ga. Chuyến tàu hôm ấy dường như ko muốn kéo còi.
Ra trường, mỗi đứa một cơ quan. Con em lấy chồng rồi sinh hai đứa con gái với bộn bề lo toan chuyện cơm áo. Còn chị vẫn một thân vừa làm việc ở một tờ báo ngành vừa một mình toan lo cho cả bố mẹ già và hai đứa em ăn học. Rồi bố qua đời, mẹ một ngày già yếu, cậu em là giảng viên trường ĐH Kinh tế QD HN cứ hết đi học khóa này đến tập huấn khóa khác ở nước ngoài. Cô em út tốt nghiệp ĐH, đi làm rồi lấy chồng. Chị gánh vác hết việc nhà cho các em rảnh rang lo chuyện của mình. Rồi cứ thế, tuổi xuân của chị dần trôi. Nhiều người theo đuổi chị cũng lần lượt ra đi. Con em thương chị và rất sợ chị buồn nhưng hắn ko thể làm gì khác. Trên đời này , hắn chưa sợ bất cứ ai. Hắn là đứa ngang ngạnh, có thể cãi phăng mọi điều nếu thấy sai. Nhưng với chị, hắn luôn sợ bị mắng và ko hề cãi lại chị. Chị đã có nhiều nỗi buồn, hắn ko dám làm chị buồn thêm. Dù biết rằng chuyện hôn nhân của hắn tan vỡ làm chị hắn buồn ko ít. Con em đã nhẫn nhục nghe chị chửi mắng dù biết mình ko làm điều gì sai . Và rồi sau một thời gian, chị biết mình mắng oan em . Con em ko dám nói gì chị mình, chỉ nước mắt lưng tròng và hắn biết chị hắn cũng đang khóc.
Bây giờ, dù gì thì con em cũng hơn chị mình nhiều thứ. Con em có một mái nhà riêng với hai đứa con gái. Dẫu phải vất vả toan lo chuyện cơm áo, nuôi dạy con nhưng con em cũng hạnh phúc vì mình có chỗ để dựa khi về già. Còn chị, đã ở bên kia dốc cuộc đời vẫn chưa có gì riêng của mình. Chị vẫn lặng lẽ đi về, vẫn cười nói hàng ngày, nhưng con em biết chị mình có lắm nỗi âu lo và chỉ biết thương chị mà ko dám nói gì.
Hôm nay chị bước sang tuổi 51. Nhìn mái tóc chị có thêm nhiều sợi bạc chứ ko còn đen nhánh như ngày xưa ấy, con em nghe lòng mình nặng trĩu và nước mắt bỗng dưng lăn dài dù hắn ko hề muốn khóc.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Chuyện của Bí

Bí vốn thích đánh cầu lông nên từ lúc còn học lớp 3 đã xin mẹ cho học lớp cầu lông của trường. Lúc đó tay Bí còn yếu, phát cầu thấp lè tè lại hay bị rơi xuống đất nên hay bị chê đánh dở, Bí tự ái lắm nhưng ko nói gì. Mấy hôm nay, trời tạnh, buổi tối Bí hay mang vợt ra đường rồi kêu hai vợ chồng bác hàng xóm vốn rất yêu quí Bí ra đánh cầu cùng Bí, tại mẹ hay đi làm về muộn nên ko chơi với con gái được, hơn nữa mẹ đánh cầu dở ẹc nên cũng ko khoái lắm cái vụ cầu lông. Sáng nay, mẹ và dì Út đang ngồi nói chuyện, Bí hớn hở chạy vào khoe: Bữa ni con đánh cầu xịn rồi nghe. Con đánh lên ( phát bóng) giỏi hơn đập xuống. Đánh lên được 10 cái, còn đập xuống chừng 7 cái. Mẹ thấy con đánh cầu lông giống giá xăng ko? Ôi trời, con tôi, lại đi so sánh giá xăng. Mẹ với dì Út được một phen cười nghiêng ngã. Bí bẽn lẽn cười theo, con nói đúng mà mẹ , giá xăng lên nhanh còn xuống chậm, con đánh cầu lông cũng rứa, he he.
Còn nhớ lúc Bí được 6 tuổi, vừa vào lớp 1, đang học đánh vần nên Bí rất hay đọc các câu khẩu hiệu, băng rôn giăng trên đường. Mỗi lần chở Bí và chị Bầu đi chơi, Bí cứ hay lẩm nhẩm mấy câu khẩu hiệu cứ như thầy pháp đọc thần chú. Lúc đó TP Đà Nẵng vừa được Chính phủ công nhận là Đô thị loại 1, nên các băng rôn, áp phích chào đón sự kiện này giăng đầy trên các đường phố. Bí chưa biết đọc số La mã nên cứ đọc Đà Nẵng đô thị loại i. Mẹ sửa lại loại 1, Bí ko chịu, con thấy chữ i mà, mẹ đọc sai rồi. Hì hì. Gì chứ cái vụ cãi này thì Bí ko chịu thua ai, kể cả mẹ.

Từ lúc Bí còn bập bẹ tập nói, đã biết xem dự báo thời tiết giúp mẹ. Cứ hễ đến bản tin thời tiết , dì Út định tắt ti vi là Bí kêu , để mẹ Bí nghe tin bão lụt, mẹ Bí đi viết tin. Ai nghe Bí nói cũng bật cười. Vì mẹ hay xem thời sự trên ti vi để nắm tình hình nên Bí cũng hay xem ké. Tưởng Bí ko biết gì, hóa ra Bí biết nhiều hơn mẹ nghĩ. Có lần bác Phú bên nhà hàng xóm hỏi mẹ tên ông thủ tướng của nước mình là ai, mẹ chưa kịp trả lời Bí nói ngay, ông Phan Văn Khải ( lúc đó ông Phan Văn Khải còn đương nhiệm). Mẹ ngạc nhiên, hỏi tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch QH, Bí cũng trả lời ngon ơ. Hỏi đến chủ tịch TP Đà Nẵng, Bí cũng nói rành rẽ, bác Phú mắt tròn mắt dẹt, mẹ cũng ô a: Công nhận là Bí tài thiệt.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

Mùa thu, màu áo xanh và Đoàn Chuẩn

Chỉ sáng tác hơn 10 bài, nhưng các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn đã đi vào nỗi nhớ của rất nhiều người yêu nhạc tiền chiến. Tôi là một trong số đó. Tôi mê nhạc. Mê từ Văn Cao , Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Hoàng Giác, Cung Tiến . . . đến Trịnh Công Sơn , Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên . . . tóm lại là mê tất tần tật . Nhớ cái hồi mới ra Hà Nội học, hồi đó ko dễ gì kiếm được nhiều đĩa CD để nghe trên máy tính hay trên đầu đĩa như bây giờ mà dãi dầu lắm mới có được chiếc casset và việc lùng kiếm băng casset cũng ko dễ dàng gì. Một lần qua trường Nguyễn thăm anh Sơn Phước, nghe được băng nhạc Đoàn Chuẩn với giọng ca Khánh Ly ( do Trung tâm Thúy Nga – Paris phát hành) tôi mê mẩn cả người. Và sau đó là bỏ cả học cả ngày trời chỉ để lang thang các hàng sách ở Hà Nội tìm cho bằng được cái băng casset mình yêu thích. Tôi yêu mùa thu và cũng vì thế mà tôi yêu nhạc Đoàn Chuẩn, yêu cái hơi thu bàng bạc trong các tác phẩm của ông. Với Đoàn Chuẩn, mùa thu , tà áo xanh và tình yêu say đắm luôn hiện hữu trong các nhạc phẩm của ông . Có thể tìm thấy các sắc thái, cung bậc của mùa thu trong hầu hết các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn . “ Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. . . “, trong Tình nghệ sĩ “Như duyên em thầm kín – Trong hương thu màu tím buồn...”. ., với Cánh hoa duyên kiếp; hay “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương...” trong Lá thư, “Với bao tà áo xanh đây mùa thu...”.trong Gửi gió cho mây ngàn bay và “Thuyền ơi sao mê say nhiều quá, đường mê không ai ngăn cản lối, một sớm thu về chuyển bến xuôi, về nơi đâu nữa trời bến nao. . .”, trong Chuyển bến; “Thu đi cho lá vàng bay...” trong Lá đổ muôn chiều đến “ Mùa thu quyến rũ anh rồi . . .” trong Thu quyến rũ hay “ Mưa dồn trôi nước lũ xuôi dòng thả hết bụi nhơ, xuôi dòng trầm câu hát tương tư, nhủ lòng thôi hết những mùa thu. . .”. trong Vĩnh biệt ( hay Vàng phai mấy lá ). Thậm chí trong nhạc phẩm duy nhất viết về mùa xuân là bài “ Gửi người em gái ‘ lại cũng có bóng dáng của mùa thu ” Nhưng một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt, nàng đi gót hài xanh. . .”
Người nhạc sĩ đa tình và đa tài này dường như rất yêu màu áo xanh, và màu áo ấy xuất hiện rất nhiều lần trong các sáng tác của ông . “ Với bao tà áo xanh đây mùa thu “”( Gửi gió cho mây ngàn bay) hay “ Em còn nhớ anh nói rằng, bao giờ em đến với anh , xin đừng quên chiếc áo xanh” ( Tà áo xanh ) “ và “ màu áo xanh là màu anh trót yêu “ ( Thu quyến rũ ).
Hầu như nhạc sĩ nào cũng có những sáng tác về mùa thu . Bởi mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn. . . Đặng Thế Phong có Giọt mưa thu; Phạm Đình Chương có Thu ca; Cung Tiến có Thu vàng; Minh Kỳ có Mấy độ thu về; Phạm Trọng Cầu có Mùa thu không trở lại , Trịnh Công Sơn có Nhìn những mùa thu đi và Hà Nội mùa thu v.v.. . hay Phú Quang sau này cũng có rất nhiều sáng tác rất hay về mùa thu . Nhưng chỉ có Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ viết nhiều nhạc phẩm để đời về mùa thu. Hơn nửa thế kỷ qua, các bản tình ca về mùa thu của ông vẫn lay động và làm thổn thức bao trái tim. Để rồi “ Thu nay vì đâu nhớ nhiều , thu nay vì đâu tiếc nhiều , đêm đêm nhìn cây trút lá , lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về “. . .

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

Chuyện đời, bánh đúc có xương. . .

Từ bé , tôi đã quen nghe câu ca dao “ Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, vậy mà lạ thay, dường như với má lớn của tôi – câu ca dao ấy có ý nghĩa ngược lại. Má tôi không sinh ra tôi. Nhưng tôi yêu má hơn cả mẹ đẻ ra mình. Khi tôi ra đời, tóc má đã nhuốm màu thời gian. Trên đôi vai còng ấy , má tôi gánh cả giang sơn nhà chồng với 12 lần sinh con – 8 trai , 4 gái – nhưng chỉ nuôi được mỗi mình chị Hai tôi mà chị cũng nhiều lần đau thập tử nhất sinh. Má tôi không nuôi được con trai để lo chuyện nối dõi tông đường cho ba tôi, vì vậy mà má tôi – chứ ko ai khác – đã hai lần bưng trầu cau đi hỏi và cưới vợ cho chồng. Người mẹ kế má tôi- sau khi sinh được một người con gái chỉ hơn ba năm tuổi –là chị Tuyết tôi bây giờ - cũng đã qua đời vì bạo bệnh. Vậy là má tôi ẵm bồng, một tay má nuôi chị Tuyết tôi khôn lớn như con mình rứt ruột đẻ ra , và lại tiếp tục đi cưới vợ cho chồng- người đó là mẹ đẻ tôi. Không biết tâm trạng của má tôi lúc mang trầu cau đi cưới vợ lẽ cho chồng như thế nào- nhưng quả thật – nếu là tôi , tôi đã không thể làm thế.
Mẹ tôi mang thai bốn lần cả thảy nhưng cũng chỉ sinh được hai đứa con gái là tôi và Út. Nghe mẹ tôi kể lại, cái bào thai mà mẹ tôi đánh mất trước tôi và sau tôi đều là con trai- và khi mẹ tôi nằm một chỗ vì sẩy thai - má tôi lại là người ở bên cạnh chăm sóc vỗ về và an ủi mẹ tôi. Vậy mà những nỗ lực của má tôi cũng ko được đền đáp , bởi lẽ cuối cùng ba tôi cũng ko có được một mụn con trai nào. Có lẽ , đó là nỗi day dứt lớn nhất của má tôi từ khi lấy chồng đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Từ khi biết đi rồi lớn dần lên, tôi chưa bao giờ thấy má tôi và mẹ tôi cãi nhau bao giờ. Và hai người đối xử với nhau như chị em gái. Má tôi bao giờ cũng gọi mẹ tôi là mụ – như cái cách chị gọi em gái đã có chồng ở quê tôi. Khi mẹ tôi về với ba tôi thì mẹ cũng đã một lần đò và có ba đứa con là hai anh và chị Nga tôi bây giờ. Vì vậy tôi được đưa về ở với mẹ và các anh . Mẹ tôi vốn tham công tiếc việc, lại có mấy sào ruộng ông bà ngoại chia cho ở quê nên hầu như mẹ tôi vắng nhà. Tôi được thả rong chơi với lũ trẻ trong xóm và gặp gì ăn nấy. Cứ chiều chiều, tôi thường ra ngõ đứng ngóng về phía cuối đường chờ má tôi đi bán ở chợ Hội An về ngang qua nhà . Bởi trong gánh hàng của má bao giờ cũng có cái ăn má dành cho tôi. Khi thì ổ bánh mì thịt, lúc đòn chả hoặc mấy củ khoai, củ sắn. Tôi lăn lóc như vậy đến năm vào lớp Một thì má tôi đem tôi về ở với ba má và Út. Khỏi phải nói là tôi vui sướng đến mức nào. Hồi ấy tôi hay bị chốc lở trên đầu. Hàng ngày má tôi đi hái lá ổi về giã và nấu nước gội đầu cho tôi. Vị thuốc dân gian ấy của má đã giúp tôi hết chốc đầu và mau liền sẹo.
Có thể nói với tôi, khoảng thời gian được sống với ba má là hạnh phúc nhất. Từ nhỏ tôi có tật hay dỗi và hễ dỗi là nhịn ăn. Và chỉ có má tôi mới đủ kiên nhẫn để dỗ dành tôi. Tôi và con Út muốn gì má cũng chìu. Tôi nhớ có lần má đi Sài Gòn mua về cho tôi một chiếc áo đầm màu xanh da trời có thêu hai đường kim tuyến chạy dọc hai bên thân áo rất đẹp. Chiếc áo đẹp như mơ ấy tôi chỉ khoác vào duy nhất một lần và phải cởi ra vì quá chật so với cái thân voi đồ sộ của tôi. Vậy là con Út được chiếm hữu. Tôi tiếc và đâm ra giận dỗi. Má tôi mất cả buổi chiều dẫn tôi đi chợ Hội An để tìm chiếc áo khác thay thế. Nhưng tìm mãi vẫn ko thấy, vậy là tan tành ước mơ được mặc áo đầm của tôi. Má tôi nhìn tôi khóc mà mắt rưng rưng nói với tôi ” Con to mà má lại mua cỡ nhỏ , biết rứa hồi nớ má mua luôn mấy cái đem về, tại má tiếc tiền, má giận má quá” . Và như để chuộc lỗi với tôi , má dắt tôi vào hiệu sách Trùng Dương ở gần chợ và nói với tôi, con thích quyển gì cũng được , má mua hết cho con. Vậy là tôi vơ ngay cuốn Luận tuyển và một đống truyện tranh mà tôi vốn thèm thuồng từ bấy lâu. Hồi nhỏ tôi có tật mê sách, mà hồi ấy làm gì có sách để đọc nên cứ đến nhà nào vơ được quyển gì tôi cũng đọc ngấu nghiến kể cả tiểu thuyết tình cảm, truyện kiếm hiệp. . .Và quyển Luận tuyển má mua cho tôi ấy đã giúp tôi học giỏi môn Văn ngay từ hồi còn tiểu học. Tôi nhớ hồi tôi học lớp Nhì ( lớp 4 bây giờ ), anh Huỳnh Sơn Kỳ - con bác tôi – là hiệu trưởng trường tiểu học của tôi đã chở tôi đi thi học sinh giỏi Văn của quận Hiếu Nhơn ( thị xã Hội An bây giờ). Đề văn ra cho học sinh là bình giải hai câu ca dao “ Mẹ già như chuối ba hương ; như xôi nếp mật như đường mía lau “. Tôi đã viết một mạch bốn trang giấy học trò về người mẹ trong hai câu ca dao ấy qua hình tượng má tôi – và bài văn đó được cho 14 điểm. Ngoài phần thưởng của quận, tôi còn được tặng một năm tập san Thằng Bờm ( do Nguyễn Vỹ làm chủ bút). Ko thể tả được niềm vui của tôi. Và má tôi không hề biết rằng chính má là nguồn cảm xúc dạt dào để tôi viết bài văn đó.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cuối năm học lớp Năm của tôi, má tôi bị xuất huyết não và dù đã cố gắng chữa chạy nhưng một nửa thân hình của má bị liệt và cổ họng cũng ko thể phát ra tiếng nói. Má tôi chỉ còn cử động được tay trái và ú ớ như một đứa trẻ lên ba. Mọi chuyện ăn uống, vệ sinh của má phải có người giúp đỡ. Tội nhất cho má là ko thể nói những điều mình muốn và cũng ko ai biết má tôi muốn gì.Mỗi lần như vậy, nhìn má nước mắt ngắn dài, ai cũng mủi lòng. Còn tôi chỉ biết khóc. Tuy nhiên tôi vốn là đứa nhanh trí nên chỉ trong một thời gian ngắn chỉ nhìn cái cách má tôi ú ớ, chỉ chỏ tôi đã biết má muốn gì rồi. Nhưng cái tật ham chơi đã làm tôi lờ tịt những yêu cầu của má. Tôi giả vờ ko biết chỉ để ko làm những việc má cần mà chạy đi chơi.
Có một chuyện làm tôi ân hận đến mãi bây giờ. Đó là tôi đã làm trôi mất cái áo đẹp nhất của má mà ko dám nói sự thật. Hồi đó má tôi có một cái áo xoa Pháp màu nâu rất đẹp, thỉnh thoảng có đám tiệc gì má tôi mới mặc. Khi má tôi đau nằm một chỗ, áo quần của má và của cả nhà do tôi giặt giũ. Nhà tôi ở sát sông Hoài nên tôi thường đem áo quần ra sông giặt. Buổi sáng nước sông lên, tôi ngồi trên chiếc cầu gỗ giặt đồ, ko hiểu sóng đánh thế nào mà chiếc áo xoa của má trôi ra xa khỏi tầm tay của tôi. Tôi lúng túng vì ko biết nhờ ai vớt giùm.Nếu mình lội ra thì uống nước là cái chắc. Vậy là tôi để sóng cuốn cái áo của má trôi tuột về phía xa. Buổi chiều lúc đem áo quần khô vào, má tôi tìm ko thấy cái áo và đập vào tay tôi ú ớ. Tôi biết là má muốn hỏi chiếc áo ấy ở đâu. Vậy mà tôi ko dám nói là mình đã làm mất, tôi lờ đi như ko biết gì. Má tôi khóc vì tiếc chiếc áo. Còn tôi, ko dám mở lời nhận lỗi. Chuyện đó day dứt trong tôi mãi đến bây giờ. Giá mà tôi nói thật thì má tôi ko đau lòng đến thế.
Lên lớp 6, mẹ tôi đem tôi về quê ngoại ở với cậu để được đi học tiếp, tôi đã khóc như mưa khi ôm cái túi áo quần lủi thủi ra khỏi nhà. Ấn tượng đọng lại trong tôi là khuôn mặt nhòe nhoẹt nước và đôi mắt đỏ hoe của má dõi theo tôi đàng sau khuôn cửa sổ má tôi vẫn ngồi hàng ngày. Tôi về quê ngoại ở mà chiều chiều vẫn lẻn ra bờ sông đứng nhìn về phía Hội An mà nước mắt ngắn dài . Tôi nhớ má , nhớ ba, nhớ con Út , nhớ cả đôi đôi đũa bếp vẫn thường hay nấu cơm hàng ngày. Hai câu ca dao “ Chiều chiều ra đứng ngõ sau; Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều “ sao mà giống với tôi hồi ấy đến thế. Ở nhà cậu, lâu lâu tôi mới được về thăm nhà. Mỗi lần tôi về, cánh tay còn lại của má cứ kéo tôi vào lòng, xoa đầu, xoa trán, xoa những vết bỏng trên tay tôi và miệng má thì xuýt xoa. Nhìn ánh mắt của má , tôi hiều má muốn nói rằng, giá mà má ko tật bệnh thì tôi đã ko vất vả như thế. Tôi thương má vô cùng.
Má tôi qua đời khi tôi đang học lớp 9. Và đến bây giờ, khi tôi đã là mẹ của hai đứa con gái, tôi càng hiểu má tôi đã thương tôi như thế nào. Hình ảnh má với mái tóc bạc phơ còng lưng gánh hai thúng bánh ú đi trước, thỉnh thoảng chậm lại để chờ tôi theo cùng như còn mãi trong ký ức của tôi.