Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Sấu Hà Nội

Cô Mèo Béo từ Hà Nội vào miền Trung đã khệ nệ mang vào cho mẹ Bầu Bí một túi sấu xanh nặng những 2kg. Vui và xúc động quá. Cám ơn Mèo Béo và Hai Điều nhé! lần nào vào Đà Nẵng cũng mang vác quà cho mẹ BB lúc thì mấy mớ rau húng Láng ( Hai Điều biết mẹ BB nghiện món bún chả Hà Nội mà ), lúc thì mớ sấu xanh, ô mai sấu , rồi sấu dầm đường. . . thứ nào cũng ngon và cũng đậm tình nghĩa bạn bè. Bác Trinh cũng vậy. Hễ vào miền Trung hay có ai vào lại gói ghém các thứ vào cho em mình. Khi thì gói cốm xanh mướt , lúc túi đào phơn phớt non tơ; hay bó hoa loa kèn trắng tinh và thơm ngào ngạt . Mẹ BB cảm thấy mình thật hạnh phúc khi nhận những món quà đầy tình cảm ấy.Cám ơn nhiều thật nhiều những tình thân của tôi nhé!
Đang mùa hè, những quả sấu xanh thật đắc dụng. Từ ngày còn học ở Hà Nội, mẹ BB đã rất  khoái món nước sấu ngâm đường. Trưa nắng nóng, đi học về mệt, pha một cốc nước sấu dầm uống vào đến đâu biết đến đó. Nước sấu ngâm đường đã ngon, nước sấu dầm rau muống luộc cũng ngon ko kém. Nhất là buổi trưa, mâm cơm dọn ra , bát nước rau muống luộc dầm vài quả sấu đặt bên cạnh đĩa rau muống luộc xanh rờn, ăn kèm với cá nục kho khô và vài quả cà pháo muối giòn hoặc mắm dưa, chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy muốn ngồi vào mâm rồi.
Quả sấu ko chua gắt như chanh. Cái chua của sấu hơi nghiêng về vị ngọt. Dường như tất cả những gì tinh túy của mùa hè Hà Nội ngấm hết vào quả sấu hay sao ấy mà với tôi, sấu hấp dẫn đến lạ. Tôi ko thích mùa hè Hà Nội . Cái nóng hầm hập ấy làm bức bối và tưởng như có thể cáu bất cứ lúc nào , nhưng mùa hè Hà Nội lại là mùa sấu- cái vị chua dịu dàng của sấu đã cân bằng lại những bực bội của mùa hè Hà Nội trong tôi. Dân miền Trung quen với chanh , khế nhiều hơn. Nhưng từ khi nếm vị chua của quả sấu, tôi đâm ra nghiện. Sấu nấu với thức gì cũng ngon. Mỗi lần nhận những túi sấu xanh từ Hà Nội gửi vào, tôi cũng dành một nửa đem gọt vỏ ngâm đường để pha nước uống , còn lại đem cất trong tủ lạnh ăn dần. Sấu xanh gọt vỏ nấu canh sườn non hoặc thịt nạc , hay riêu cá đều dễ đưa cơm. Sấu gọt vỏ sẵn để trên ngăn đá, mỗi lần nấu canh hay dầm nước luộc rau chỉ dám rón rén lấy chừng ba quả, lấy nhiều sợ hết, nhờ vậy mà nhà Bầu Bí hay có sấu để dành đến hết khoảng tháng chín, tháng mười. Có quả sấu, bát canh chua như ngon hơn, tô nước rau luộc cũng hấp dẫn hơn. Và mùa hè Hà Nội có lẽ vì thế mà đỡ ngột ngạt hơn chăng?

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Lý Sơn

Từ bến cảng Sa Kỳ, chỉ mất chừng 45 phút chòng chành trên tàu cao tốc, tôi đến đảo Lý Sơn - nơi cách đây gần 3000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn về lịch sử và nhân văn. Huyện Lý Sơn có ba xã: xã An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và xã An Bình (đảo Bé) . Giữa nghìn trùng sóng nước nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển .
Đảo Lý Sơn còn có tên gọi  là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền . Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất gọi là "Bát tổ".
Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2  với dân số chừng 2 vạn người nhưng có đến gần 100 di tích  với một quần thể các đền, chùa ,miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền , ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu ăn xổi nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại  như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa. . . Đình làng Lý Hải – một trong số rất ít các ngôi đình của vùng duyên hải miền Trung  được giữ  gìn nguyên vẹn đến bây giờ. Cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên Lý Sơn là vùng đất nằm chơi vơi giữa biển khơi này quanh năm đối chọi với sóng to gió lớn và muôn trùng bất trắc của biển khơi nhưng vẫn đầy kiêu hãnh vì đã ôm cả trên mình nó những dấu ấn văn hóa – lịch sử của hàng nghìn năm trước không phai mờ theo thời gian.
Điều dễ làm say lòng bất cứ ai đến Lý Sơn là màu trời, màu nước ở đây xanh ngắt. Tôi đã đến nhiều đảo to, đảo nhỏ ở khắp cả nước nhưng chưa có bầu trời ở đâu xanh như bầu trời Lý Sơn những ngày cuối tháng bảy này. Nước biển xanh biếc, ánh nắng trong suốt chảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời  trong veo đẹp đến ngỡ  ngàng. Và gió như bay từ muôn phía đến đây ngập hồn tôi. . . 
DaoLySon.jpg Dao Ly Son picture by mebaubi
Nhìn từ xa, Lý Sơn như một con rùa khổng lồ đang dạo chơi trên biển
NuiThoiLoi.jpg Nui Thoi Loi picture by mebaubi
Núi Thới Lới trên đảo Lớn. Một trong những ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Dưới chân núi có hàng nghìn ngôi mộ chiêu hồn- những người lính đi Hoàng Sa- Trường Sa hi sinh ngoài biển khơi không trở về, ngư dân nơi đây nặn hình đất sét làm hình nhân thế mạng, chôn dưới ngôi mộ gió cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán.
DinhlangLySonpg.jpg Đình làng An Hải picture by mebaubi
Đình làng An Hải- một trong những ngôi đình làng của miền Trung gần còn nguyên vẹn trải qua bao biến thiên của thời cuộc.
ChuaHang.jpg Đường vào chùa Hang picture by mebaubi
Đường vào chùa Hang  ChuaHang1.jpg Chùa Hang picture by mebaubi
Chùa nằm dưới một phiến đá rộng sâu dưới mặt đất nên có tên là chùa Hang. Trong chùa lúc nào cũng mát rượi và phảng phất hương trầm. Vào đây tự dưng lại muốn đi tu quá.
LySon4.jpg Lý Sơn 3 picture by mebaubi
Lý Sơn còn được mệnh danh là vương quốc tỏi.Tỏi ở Lý Sơn trồng trên cát trắng. Nền cát trắng trên bầu trời xanh, đẹp ko thể tả nổi.
LySon8.jpg Lý Sơn 5 picture by mebaubi
Mẹ Bầu Bí giữa nắng, gió và bầu trời xanh ngắt trên đảo Lý Sơn
LySon2jpg.jpg Lý Sơn 2 picture by mebaubi
Mùa hè cá cơm rộ ở Lý Sơn. Cá cơm tươi đem hấp cuốn bánh tráng và rau muống đảm bảo ngon ko kém món sơn hào hải vị nào.
Ocbantay.jpg Ốc bàn tay picture by mebaubi
Lý Sơn có rất nhiều hải sản. Tôm, cua, cá , mực. . .bình thường lúc nào cũng tươi rói như mới vớt từ biển lên. Còn món ốc bàn tay này thì hơi bị hiếm ở đất liền nhưng ở Lý Sơn thì bán đầy ngoài chợ. Đây là món ốc hấp gừng chấm với muối tiêu.Nhìn đã thấy ngon mắt rồi.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Nghe mưa

Trời lại đổ mưa rồi. Mấy ngày nay chiều nào cũng mưa. Vậy mà lúc trưa đi làm lại quên ko xếp cái áo mưa cho vào cốp xe. Giờ nghĩ cái cảnh chạy dưới mưa về nhà, nghe mà ngán ngẩm quá đi mất. Phải chờ thêm lát nữa để xem có tin, bài gì , hay tòa soạn còn gọi gì nữa để xử lý nốt rồi mới về. Hôm nay Bầu đi học thêm, 7h30 mới về. Chờ Bầu về rồi mới ăn tối. Chịu khó đợi con gái thêm tí nữa vậy.
Có ai ngồi nghe mưa và chờ đợi như mình bây giờ ko nhỉ ? Mưa đang nặng hạt, tiếng mưa rải đều trên mái tôn nghe như một bản nhạc buồn, buồn đến ray rứt. "Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi". Ừ, hình như mình đang chơi vơi thật. Có những đổ vỡ mà ko dễ gì cảm nhận được. Sự đổ vỡ ấy làm mình chênh vênh. Biết làm thế nào được. Đôi tay tưởng như làm được tất cả mọi thứ trên đời của mình ngày càng trở nên nặng nề, đôi vai mình ngày càng bị trì níu vì nhiều thứ, trái tim mình ngày càng trở nên yếu đuối và  nhạy cảm hơn. Bất cứ điều gì cũng làm mình trăn trở, day dứt và trở nên cáu bẳn. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng nhé! Mưa rồi sẽ tạnh mà, nhất định là như thế. Ừ, phải gắng lên thôi. Biết là phải vậy nhưng sao vẫn buồn." Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay". . .

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

Về quê thôi. . .

Quê mình - ừ thì cũng gọi vậy cho có vẻ quê kiểng - vì Bầu và Bí cứ mỗi lần về Hội An đều gọi về quê. Quê của mẹ Kim và Bầu Bí chỉ cách Đà Nẵng có hơn 30 cây, vậy mà cả năm rồi ba mẹ con mới lại về quê ở lại qua đêm. Mọi lần về giỗ chạp hoặc tết nhất, mấy mẹ con ít khi về ở lại, chỉ loáng thoáng qua trưa là quày quả đi. Mẹ tất bật chuyện cơm áo, công việc, con thì học ở trường rồi học thêm, và ngày tháng cứ trôi, chợt ngoảnh nhìn lại , đôi lúc thấy mình dường như hời hợt, vô tâm với nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn lên .Dẫu cuộc sống có những điều ko trọn vẹn, nhưng cứ mỗi lần về nhà, soi mình xuống bờ sông quê, tôi vẫn như nhìn thấy một con bé nghịch ngợm , trốn ngủ trưa đi hái trộm ổi, đi bẻ mía nhà hàng xóm rồi theo bọn con trai ào ra sông, quậy tưng bừng cả trưa nắng gắt quên cả trận đòn roi mây đang chờ sẵn.
Hôm chủ nhật vừa rồi mấy mẹ con về quê ở lại. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, đêm ngủ lại ở Hội An, mình nằm nghe gió thổi xào xạc hàng chuối sau vườn. Buổi sáng thức dậy nghe tiếng gà gáy ran sau bếp, nghe tiếng chổi tre sàn sạt ngoài sân trước, nghe trong gió có mùi khói cay nồng , tưởng như tất cả những ký ức tuổi thơ trỗi dậy. Chợt nghĩ, hay là mình về quê sống. " Thôi về đi, đường trần đâu có gì". Ừ, để thu xếp cho Bầu Bí vào đại học xong, mình sẽ về quê sống. Kiếm một mảnh đất ở ven sông, cất một cái nhà nhỏ lợp lá dừa, trồng rau , nuôi gà. Bạn bè ở xa về thăm, mình sẽ mời bạn bè ăn cơm gạo quê, rau hái trong vườn, cá dưới ao nhé! He he. Quyết định vậy đi.