Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Viết cho em Bí tuổi 12

Mẹ vẫn hay gọi Bí là em Bí vì lúc mới bập bẹ biết nói, Bí muốn gì toàn xưng “ cho em Bí “, dù bây giờ em Bí của mẹ đã lên lớp 6 , bước sang tuổi 12 và tự đạp xe đến trường đi học . Mẹ sinh Bí vào 8g15 phút tối. Em Bí tuổi con trâu tuy vất vả nhưng sinh vào buổi tối thì số sẽ an nhàn.Mẹ đi lấy tử vi cho Bí nghe nói thế, mẹ cũng mong là vậy, chứ đừng long đong như mẹ, con gái út nhé!
Lúc mẹ sinh Bí, nhà mình đang khó. Chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ba vào Quảng Nam, mẹ vừa mang thai Bí lại vừa tất bật lo cho chị Bầu. May mà lúc ấy dì Út thấy mẹ vất vả nên ở lại với nhà mình. Lúc mẹ sinh chị Bầu,mẹ được nghỉ hết bốn tháng . Còn Bí, mẹ chỉ nghỉ đúng một tháng . Nhằm lúc mang thai Bí , căn phòng tập thể nhà mình ở chỉ hơn 10m2 lại tối tăm, ẩm thấp, chị Bầu đau ốm suốt, vậy là mẹ vay mượn bạn bè mua miếng đất để làm nhà. Lúc mẹ sinh Bí , giá đô la lên vùn vụt, mẹ sợ ko trả nổi nên bao nhiêu tiền dành để nghỉ sinh ,mẹ trả hết. Vậy là Bí vừa đầy tháng, mẹ đã phải đi làm rồi. Thương Bí quá mà ko biết làm sao. Một mình mẹ xoay xở lo cho cả nhà , ko đi làm thì lấy gì mà trang trải hả con, nên phải cố.
May mà em Bí ngoan, dễ nuôi nên mẹ đỡ áy náy. Mẹ nhớ lúc mẹ cai sữa cho em Bí, cơ quan mẹ tổ chức đi tham quan phía Nam, vậy là mẹ đi hai tuần. Mẹ đi được hai hôm, gọi điện về nhà, nghe dì Út nói Bí ở nhà xem phim Cánh đồng hoang trên tivi, thấy em bé đang bú mẹ liền vùa khóc vừa chỉ tay vào màn hình nói ” của em Bí, của em Bí”, mẹ nghe mà xót cả ruột vì nhớ con.
Bí đi học rất hay bênh vực các bạn yếu thế,nên được bạn bè gọi là “ Bí đại ca”. Bí sẵn sàng đánh lộn với các bạn trai để bảo vệ bạn mình. Năm Bí học lớp Ba, lớp Bí có bạn My do bị sốt bại liệt hồi bé nên một chân của My bị tật. Một số bạn trong lớp hay trêu chọc My là què.Bí tức lắm. Có một bạn gái trong lớp bắt nạt My, bắt My mỗi ngày đi học phải nộp cho bạn ấy 2 nghìn đồng mới cho My chơi với. My khóc và kể với Bí, vậy là Bí dọa bạn kia không được bắt nạt My nếu ko Bí sẽ thưa cô rồi thưa lên thầy hiệu trưởng . Lời dọa của Bí có hiệu lực, bạn My thoát nạn và xem Bí như ân nhân.
Mẹ hay kể cho chị Bầu và Bí nghe chuyện hồi nhỏ của mẹ nên Bí nhớ. Có lần, giữa buổi mẹ đi làm về, thấy Bí đang đứng trên cái ghế và cúi người trên bếp ga chiên xúc xích. Người Bí thấp mà bếp lại cao, đứng trên ghế trông rất chênh vênh, mẹ hoảng quá la con, Bí cãi lại: Chứ mẹ kể hồi nhỏ mới lớp Ba mẹ đã phải gánh nước, nấu cơm cho ông ngoại; chừ con học lớp Bốn rồi mà, con có còn nhỏ đâu mà mẹ sợ. Mẹ chịu, không nói thêm được lời nào,chỉ nhắc con cẩn thận kẻo hỏa hoạn.
Bí lên lớp 6, vậy là nghiễm nhiên cái xe đạp của chị Bầu trở thành của Bí. Hôm đầu tiên nhập trường, Bí đòi đi một mình tới trường chứ ko chịu mẹ chở đi. Mẹ sợ con gái đi không quen, nên chạy xe theo sau, Bí khoát tay bảo mẹ đi làm đi . Nhìn Bí đạp xe giữa phố đông người, mẹ lo đủ thứ. Buổi chiều con về, cả mẹ và dì Út cùng thở phào.Vậy là yên tâm. Bí nói con lớn rồi mà.Đúng là con gái mẹ lớn thật rồi.
Hôm nay, con bước qua tuổi 12. Hãy luôn là em Bí ngoan của mẹ, của dì Út và chị Bầu nhé , con gái út!

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Chị và em

Chị là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, xuất thân từ một gia đình buôn tơ lụa trên phố Hàng Ngang. Chị có làn da trắng mịn và một mái tóc đen nhánh dài ngang lưng với đôi mắt to tròn có ánh nhìn trong veo mà bất cứ cô gái nào cũng ước ao. Em là đứa con gái sinh ra lớn lên ở Hội An- một thị xã lặng lẽ đìu hiu ( ngày trước vốn được xem là thành phố dưỡng già chứ ko phải là một trung tâm du lịch nổi tiếng như bây giờ). Em tuy to con lớn xác nhưng tồ tuệch, bộc trực , chỉ được mỗi cái thật thà. Vào ĐH, cả khóa Báo 7 có đến 24 đứa con gái, nhưng cô nào cũng thấp bé nhẹ cân, chỉ có hai chị em to cao như nhau, lại cùng học chung lớp Báo viết nên chơi với nhau cho có bạn. Hai đứa ở hai vùng đất khác nhau, hoàn cảnh xuất thân khác nhau, vậy mà lại hợp nhau đến lạ. Chị ghiền cà phê, em ngày ba cữ cũng chìu .Chị thích lang thang, em cũng hay rong chơi. Chị hay cãi lý và thấy cái gì bất bình thì ko chịu được, em cũng ko thua khoản này. Và thế là hai chị em lúc nào cũng kè kè bên nhau cả lúc đi chơi lẫn trong lớp học. Hai đứa con gái to cao nhất lớp, lại hay chọn bàn đầu để ngồi, nên luôn là đối tượng theo dõi của các thầy. Thầy nào mà giảng bài hay thì luôn chọn hai đứa để biết bài giảng của mình có nhập tâm học trò hay ko. Còn các thầy trẻ, yếu bóng vía, hễ giảng bài có va vấp gì, nhìn con chị nhấm nháy con em là biết ngay là mình đang bị học trò soi. Hôm nào bài giảng chán, hai chị em nháy nhau chuồn đi uống cà phê hoặc trốn về phòng ngủ là y như rằng lớp bị thầy giáo CN chửi. Vậy mà chưa bao giờ hai chị em bị lớp trưởng phiền hà, bởi hai đứa đều là chỗ dựa tin cậy của cả lớp cả về các mặt.
Con em ở xa nhà, mỗi năm chỉ về được hai lần vào dịp hè và tết. Mà những năm ấy, Hà Nội khó khăn. Bếp ăn tập thể của trường chỉ có canh toàn quốc và vài ba miếng thịt Tam tạng ( đậu hũ kho thịt mỡ ). Con em luôn thèm đủ thứ, vậy là con chị tha lôi đủ thứ ở nhà vào từ mớ dưa cải, hũ cà muối cho đến bịch ruốc thịt. Cứ hễ thứ bảy, con chị lại còng lưng chở con em nặng hơn 60kg hơi trên đoạn đường hơn 8 cây số từ Cầu Giấy về nhà để hắn được ăn uống bù lại. Bố mẹ kêu con em là con nuôi và hai đứa em của chị coi con em như người nhà, vậy là đứa con gái mồ côi cha , thiếu tình yêu của mẹ lại có thêm một gia đình ấm áp. Mùa đông, Hà Nội rét như cắt da, con em ko quen chịu lạnh, hai chị em cùng kích cỡ áo quần, vậy là con chị có cái áo ấm nào đẹp cũng nhường cho em; có đôi giày mới biết con em thích, cũng để em đi trước. Con em quen được chị mình nhường nhịn,hễ thích cái gì là cứ cười cười ko nói, chị quen tính em nên luôn chịu phần thiệt về mình.
Lần đầu tiên con em đưa chị về quê cũng là lần thực tập đầu tiên của khóa. Hai chị em lăn suốt một tháng trong cái nắng như thiêu của mùa hè miền Trung. Con em là dân Hội An gốc, vậy mà đến khi đưa chị về nhà, hai đứa lang thang trong cái nắng gay gắt ban trưa để tìm góc chụp ảnh. Thấy chị mình xuýt xoa trước từng căn nhà cổ, góc phố rêu, lúc đó con em mới thấy Hội An của mình thật giá trị. Kết thúc một tháng thực tập ở báo QN-ĐN, chị đâm ra mê Hội An và hứa với em năm nào cũng sẽ về thăm Hội An . Bốn năm học vèo trôi, ngày đưa con em ra ga Hàng Cỏ về lại quê nhà, cả nhà chị kéo nhau ra ga. Chuyến tàu hôm ấy dường như ko muốn kéo còi.
Ra trường, mỗi đứa một cơ quan. Con em lấy chồng rồi sinh hai đứa con gái với bộn bề lo toan chuyện cơm áo. Còn chị vẫn một thân vừa làm việc ở một tờ báo ngành vừa một mình toan lo cho cả bố mẹ già và hai đứa em ăn học. Rồi bố qua đời, mẹ một ngày già yếu, cậu em là giảng viên trường ĐH Kinh tế QD HN cứ hết đi học khóa này đến tập huấn khóa khác ở nước ngoài. Cô em út tốt nghiệp ĐH, đi làm rồi lấy chồng. Chị gánh vác hết việc nhà cho các em rảnh rang lo chuyện của mình. Rồi cứ thế, tuổi xuân của chị dần trôi. Nhiều người theo đuổi chị cũng lần lượt ra đi. Con em thương chị và rất sợ chị buồn nhưng hắn ko thể làm gì khác. Trên đời này , hắn chưa sợ bất cứ ai. Hắn là đứa ngang ngạnh, có thể cãi phăng mọi điều nếu thấy sai. Nhưng với chị, hắn luôn sợ bị mắng và ko hề cãi lại chị. Chị đã có nhiều nỗi buồn, hắn ko dám làm chị buồn thêm. Dù biết rằng chuyện hôn nhân của hắn tan vỡ làm chị hắn buồn ko ít. Con em đã nhẫn nhục nghe chị chửi mắng dù biết mình ko làm điều gì sai . Và rồi sau một thời gian, chị biết mình mắng oan em . Con em ko dám nói gì chị mình, chỉ nước mắt lưng tròng và hắn biết chị hắn cũng đang khóc.
Bây giờ, dù gì thì con em cũng hơn chị mình nhiều thứ. Con em có một mái nhà riêng với hai đứa con gái. Dẫu phải vất vả toan lo chuyện cơm áo, nuôi dạy con nhưng con em cũng hạnh phúc vì mình có chỗ để dựa khi về già. Còn chị, đã ở bên kia dốc cuộc đời vẫn chưa có gì riêng của mình. Chị vẫn lặng lẽ đi về, vẫn cười nói hàng ngày, nhưng con em biết chị mình có lắm nỗi âu lo và chỉ biết thương chị mà ko dám nói gì.
Hôm nay chị bước sang tuổi 51. Nhìn mái tóc chị có thêm nhiều sợi bạc chứ ko còn đen nhánh như ngày xưa ấy, con em nghe lòng mình nặng trĩu và nước mắt bỗng dưng lăn dài dù hắn ko hề muốn khóc.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Chuyện của Bí

Bí vốn thích đánh cầu lông nên từ lúc còn học lớp 3 đã xin mẹ cho học lớp cầu lông của trường. Lúc đó tay Bí còn yếu, phát cầu thấp lè tè lại hay bị rơi xuống đất nên hay bị chê đánh dở, Bí tự ái lắm nhưng ko nói gì. Mấy hôm nay, trời tạnh, buổi tối Bí hay mang vợt ra đường rồi kêu hai vợ chồng bác hàng xóm vốn rất yêu quí Bí ra đánh cầu cùng Bí, tại mẹ hay đi làm về muộn nên ko chơi với con gái được, hơn nữa mẹ đánh cầu dở ẹc nên cũng ko khoái lắm cái vụ cầu lông. Sáng nay, mẹ và dì Út đang ngồi nói chuyện, Bí hớn hở chạy vào khoe: Bữa ni con đánh cầu xịn rồi nghe. Con đánh lên ( phát bóng) giỏi hơn đập xuống. Đánh lên được 10 cái, còn đập xuống chừng 7 cái. Mẹ thấy con đánh cầu lông giống giá xăng ko? Ôi trời, con tôi, lại đi so sánh giá xăng. Mẹ với dì Út được một phen cười nghiêng ngã. Bí bẽn lẽn cười theo, con nói đúng mà mẹ , giá xăng lên nhanh còn xuống chậm, con đánh cầu lông cũng rứa, he he.
Còn nhớ lúc Bí được 6 tuổi, vừa vào lớp 1, đang học đánh vần nên Bí rất hay đọc các câu khẩu hiệu, băng rôn giăng trên đường. Mỗi lần chở Bí và chị Bầu đi chơi, Bí cứ hay lẩm nhẩm mấy câu khẩu hiệu cứ như thầy pháp đọc thần chú. Lúc đó TP Đà Nẵng vừa được Chính phủ công nhận là Đô thị loại 1, nên các băng rôn, áp phích chào đón sự kiện này giăng đầy trên các đường phố. Bí chưa biết đọc số La mã nên cứ đọc Đà Nẵng đô thị loại i. Mẹ sửa lại loại 1, Bí ko chịu, con thấy chữ i mà, mẹ đọc sai rồi. Hì hì. Gì chứ cái vụ cãi này thì Bí ko chịu thua ai, kể cả mẹ.

Từ lúc Bí còn bập bẹ tập nói, đã biết xem dự báo thời tiết giúp mẹ. Cứ hễ đến bản tin thời tiết , dì Út định tắt ti vi là Bí kêu , để mẹ Bí nghe tin bão lụt, mẹ Bí đi viết tin. Ai nghe Bí nói cũng bật cười. Vì mẹ hay xem thời sự trên ti vi để nắm tình hình nên Bí cũng hay xem ké. Tưởng Bí ko biết gì, hóa ra Bí biết nhiều hơn mẹ nghĩ. Có lần bác Phú bên nhà hàng xóm hỏi mẹ tên ông thủ tướng của nước mình là ai, mẹ chưa kịp trả lời Bí nói ngay, ông Phan Văn Khải ( lúc đó ông Phan Văn Khải còn đương nhiệm). Mẹ ngạc nhiên, hỏi tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch QH, Bí cũng trả lời ngon ơ. Hỏi đến chủ tịch TP Đà Nẵng, Bí cũng nói rành rẽ, bác Phú mắt tròn mắt dẹt, mẹ cũng ô a: Công nhận là Bí tài thiệt.