Tôi nhớ rất rõ mùa xuân năm 1979 ấy - khi tôi đang vào học kỳ II của lớp 9 thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Cũng như mọi miền quê khác trên toàn cõi VN, Hội An của tôi cũng xôn xao với những tin tức chiến sự hàng ngày vẫn được thông báo trên các bản tin của Đài Tiếng nói VN. ( Lúc ấy báo in và truyền hình chưa phát triển như bây giờ) . Cùng với các bản tin chiến sự phát thường xuyên là những ca khúc viết về cuộc chiến tranh biên giới cũng nhanh chóng được các nhạc sĩ sáng tác và phổ biến trên làn sóng Đài TNVN. Tôi còn nhớ rất rõ lời của các bài hát đã làm khuấy động trái tim và tình cảm của lớp trẻ thời ấy như “ Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới; gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. . .” hay “ Đoàn quân vội đi ,đi về biên giới, cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ; đoàn quân lặng yên nhìn đàn em thơ, từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn. . .”; rồi đến “ Bao nhiêu con tim sững sờ chợt nghe quân cướp tiến đánh VN”, và “ Hãy kết đoàn cùng VN đấu tranh, là bài ca trái tim tháng năm này. . .”. Đó là chưa kể đến những bài tình ca “ Gửi em ở cuối sông Hồng”;” Chiều biên giới”; “ Hát về anh”, “ Hoa sim biên giới “, “ Thư gửi cho nhau”. . . Tôi đã nghe, đã hát và đã thuộc như đã từng hát và thuộc nằm lòng những bài tình ca một thời vang bóng của các nhạc sĩ tiền chiến. Những nét nhạc hào hùng ấy với tôi vẫn còn nguyên sự nóng hổi như mới hôm qua, hôm kia, tôi và các bạn của tôi- cổ quàng khăn đỏ - vừa hát vừa đào công sự trên sân trường hay trồng gai xương rồng ( quê tôi còn gọi là gai lưỡi long) trên các bờ cát dọc biển Cửa Đại làm hàng rào ngăn chặn bước chân xâm lược của ngoại bang. Những lời ca như giục giã người ra trận ấy đã thúc giục bước chân nhiều thanh niên trai tráng quê tôi. Đã có nhiều anh đang học ở trường PTTH Trần Quý Cáp xung phong ra trận. Các anh mới đang học lớp 10, lớp 11, dẫu chưa đủ tuổi nhưng đã viết đơn tình nguyện xin được đầu quân – trong đó có cả những bức thư viết bằng máu.
Và khi cuộc chiến kết thúc, nhiều anh trong số đó đã không về. Tuổi học trò của tôi mang đậm ký ức về những người lính đã ra đi và mãi không về như anh Nguyễn Nô- người phụ trách chi đội của tôi, hay như Lê Đình Chinh và nhiều anh bộ đội hữu danh và vô danh khác đã ngã xuống trên biên giới phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc. Không hiểu sao họ đã không được nhắc tới dù xương máu họ đã đổ xuống cho đất nước được bình yên. Và cũng như các anh, những bài ca một thời mang đầy hào khí Đông A – hào khí của một dân tộc “ chỉ biết đứng , không biết quỳ “ đã như rơi vào quên lãng.
Ai quên thì quên , nhưng tôi vẫn nhớ và vẫn hát dù chỉ là hát cho mình nghe. Và vẫn luôn khắc sâu trong tim bốn câu thơ bất hủ trong bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư ; Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư “ .