Một ngày tháng giêng trời trong xanh ngăn ngắt, tôi cùng các anh chị trong họ về thăm quê nội ở một làng nhỏ nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Quê nội gốc của tôi - họ Huỳnh Kim ở làng Kim Bồng bên kia sông Hoài. Những năm cuối thế kỷ 19, Pháp chiếm giữ Hội An rồi chiến tranh loạn lạc, ông nội bác của tôi bỏ làng , chèo ghe đi ngược sông Thu và kiếm đất lành lập nghiệp. Vốn là dân làm nghề mộc , để tiện làm nghề và trao đổi hàng hóa nên ông chọn vùng đất làm nơi lập nghiệp là thôn Trung Phước - xã Quế Lộc - đây là vùng đât nổi tiếng một thời là nơi giao thuơng , buôn bán sầm uất bậc nhất của các huyện đầu nguồn sông Thu. Làng của họ nội tôi nằm bên cạnh dòng sông Thu hiền hòa duới chân núi Cà Tang quanh năm mây trắng.
( Bình yên bến sông quê nội)
Từ Trung Phước nhìn sang bên kia là làng quả Đại Bình ( tiếng địa phưong thừong gọi là Đại Bường ) - một vùng cây trái nổi tiếng của xứ Quảng bởi nơi đây hội tụ gần như đầy đủ các loại cây trái của vùng Đông và Tây Nam Bộ như măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, lòong boong, bưởi da xanh, chôm chôm. . . Mùa hè, bến sông làng Đại Buờng thuyền buôn cây trái ra vào nhộn nhịp, làng như có hội bởi nguời ra kẻ vào thu hái và mua trái đưa về xuôi tiêu thụ.
( Cổng làng )
Đó là mùa hè. Còn thời điểm này là mùa cây đang nẩy chồi non và đơm hoa nên đừong làng vắng vẻ, dân làng đổ ra bãi trồng dâu, tỉa bắp nên chỉ có mỗi tôi đi lang thang , ngó nghiêng .
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo ( muợn ý thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ )
Mùa này buởi đang ra hoa, hoa trắng trĩu trịt đầy cành như hứa hẹn một mùa quả bội thu
( Trắng ngần hoa bưởi )
Và đây là mít. Mít của làng Đại Bình nổi tiếng bởi cái ngọt thanh tao và cơm rất dày, rất ít xơ. Mùa này là mùa " mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên" nên mít non bán rất được giá. Mít non mà nấu với cá chuồn là một món ăn khoái khẩu của dân Quảng Nam ( Mời các bạn tham khảo thêm ở đây http://mebaubi.multiply.com/journal/item/69/69)
Nắng mùa xuân trong vắt trải hào phóng trên từng cành cây, ngọn cỏ . Dọc đừong làng hoa nở đầy. Có những loài hoa mà tôi chưa gặp và cũng ko biết tên của nó là gì, chỉ biết là cái màu hồng óng ả của những cánh hoa dại ấy đã hút mất hồn mình rồi.
Bức ảnh này chụp nguyên một góc cây hoa, bạn nào biết tên hoa là gì mách cho mình với nhé!
Mùa này hoa cải nở khắp lối đi trong làng. Màu vàng hoa cải kéo tôi về một góc tuổi thơ, chợt ngỡ như mình còn thơ dại chạy lúp xúp theo gánh hàng của mẹ về quê ngày giáp tết năm nào.Trên gánh hàng nặng trĩu của mẹ là bó hoa cải tôi hái vội bên đường để về bày đồ chơi với đứa em gái hay làm nũng chị.
Một bức tranh làng quê yên ả với chú bò gặm cỏ trong nắng chiều. Tìm đâu ra cảnh thanh bình như vậy ở nơi phố thị xôn xao.
Tôi tìm về thăm cụ Nguyễn Quốc Tín ( năm nay cụ Tín đã 89 tuổi, nhưng vẫn rất tráng kiện, minh mẫn) - cụ là bậc cao niên nhất làng Đại Bình. Cách đây 25 năm, tôi đã có một lần về Đại Bình và viết bài Làng quả ven sông Thu ( báo QN-ĐN năm 1986) và cụ Tín là nhân vật mà tôi đưa vào bài viết của mình bởi vuờn quả của cụ Tín to nhất làng với hơn 1000 gốc măng cụt, sầu riêng mà năm nào cũng đựoc mùa. Đã 1/4 thế kỷ trôi qua mà cụ vẫn nhận ra tôi - điều này làm tôi xúc động thật sự - hóa ra bài báo của mình cụ vẫn còn nhớ, không may là cơn lũ lịch sử năm 1999 đã trôi mất nhiều đồ dùng của nhà cụ Tín trong đó có tập báo lưu bài viết của mình - hơi tiếc.
Căn nhà ba gian hai chái của cụ Tín vẫn còn nguyên vẹn qua năm tháng với hoa cỏ quanh nhà lúc nào cũng nở như là nhân chứng cho một cuộc sống khá viên mãn trong tình yêu của hai ông bà cụ đã gắn bó hơn 7 thập kỷ qua và đối xử với nhau lúc nào cũng" tương kính như tân" . Lúc chụp ảnh hai cụ, tôi đề nghị bà cụ đứng lên ngang hàng với ông cụ để chụp cho đẹp, bà cụ bẽn lẽn nói : Thôi cô, tui làm răng mà đứng ngang hàng với ổng đựoc, tui đứng rứa đựoc rồi, cô cứ chụp đi.
Vườn nhà cụ Tín hoa nở đầy, còn các loại rau mọc xanh tốt. Đến đây chỉ muốn ở lại đây thôi, nhưng các anh chị giục quá nên phải giã từ. Chụp vội tấm ảnh giàn su su đang sai quả trong vườn nhà cụ Tín với lời hẹn hè này cháu sẽ lên thăm bác để ăn trái cây vuờn nhà bác và nhận ở hai cụ một nụ cuời thật đôn hậu.
Còn đây là tác giả của các bức ảnh trong entry này.