Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Món Ruốc sả

      DSC09226.jpg



Sài Gòn đang mùa mưa, ở ngoài này cũng mưa, nghe Bầu gọi về than con thèm mắm,  vậy là mình tất tả đi mua các thứ về làm ruốc sả gửi cho hai cô cháu và dành một hũ để ăn dần.
Ruốc sả là món dễ làm và cũng là món dễ đưa cơm trong những ngày mưa gió, thức ăn khan hiếm, ngại đi chợ. Chỉ cần nồi cơm vừa chín tới, bới ra,  gắp một chén ruốc sả, cắt thêm một trái dưa leo và một trái ớt xanh là có thể đánh sạch nồi cơm chỉ trong nháy mắt.
 Để có một hũ chừng 500gr ruốc sả thành phẩm, thì cần có một hũ chừng 100gr mắm ruốc , 200gr sả tươi và 500gr thịt ba chỉ và một ít ớt bột . Có nhiều người cho thêm đậu phụng hoặc mè, nhưng mẹ Bầu Bí chỉ cần mấy thứ cơ bản trên là đã có một nồi ruốc sả thơm ngào ngạt, điếc mũi hàng xóm rồi.
Cách làm khá đơn giản;  Thịt ba chỉ luộc sơ rồi xắt hạt lựu. Sả lột bẹ già, xắt mỏng rồi băm nhuyễn.  Bắc chảo dầu cho sả vào xào cho săn lại,  sau đó cho thịt heo vào đảo đều, đợt thịt săn lại thì cho ruốc vào, thêm chừng một bát nước sôi để nguội, đảo đều thịt,  sả,  mắm rồi gia giảm đường, ít bột ngọt và cho ớt bột vào nồi ruốc. Để ruốc sôi lăn tăn trên bếp chừng 15p cho cạn bớt nước,  trong nồi còn một hỗn hợp ruốc quyện với thịt heo,  sả  sền sệt có màu nâu sẫm bốc mùi thơm của sả và ruốc là được.Bắc nồi xuống chờ nguội , cho thành phẩm vào hũ và ăn dần.
Bảo đảm với cả nhà là làm cách đó mà ruốc  ko ngon thì mẹ Bầu Bí bỏ nghề , ko làm nữa.
 DSC09223.jpg

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Bầu vắng nhà

  

Vậy là Bầu đã xa nhà đúng 20 ngày. Bầu vào SG với cô Thảo để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Bầu đi mẹ nhớ, em Bí nhớ, dì Út nhớ, cả thằng Mốc cũng nhớ chị Bầu. Mỗi buổi mẹ đi làm về lại thấy thằng  Mốc ngồi chầu hẫu ở bậc cầu thang nhìn ra với ánh mắt ngơ ngáo chứ ko  cuống quýt chạy ra chạy vào mừng rỡ như những lần chị Bầu đi học về . Dì Út nói thằng Mốc chỉ nhớ chị Bầu thôi , vì chị Bầu hay nựng nó, còn chị Bí thì hay la mắng. Bầu đi vắng - phòng ngủ của Bầu trống trơn. Sáng nào, chiều nào mẹ cũng vào phòng Bầu xếp lại cái mền, kéo cái gối cho ngay ngắn rồi nghĩ lan man đủ thứ. Cái áo Bầu mặc, cái túi xách Bầu hay đeo đi học cũng làm mẹ thấy xốn xang. Mẹ suy nghĩ về con rất nhiều. Giá mà con hiểu được lòng mẹ.

Còn có hơn tuần nữa là con bước vào truờng thi rồi. Mẹ mong con tự tin, vững vàng.

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Đảo Bé


Nằm cách cảng Sa Kỳ gần 14 hải lý và cách Lý Sơn chừng 3 hải lý về phía Tây, đảo Bé ( còn có tên là xã đảo An Bình )  là một ốc đảo đúng nghĩa với gần 500 cư dân mà không có lấy một mạch nước ngầm nào để cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho cư dân trên đảo.
 
Cư dân trên đảo mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và yên ổn với hòn đảo bình yên giữa sóng gió trùng khơi từ bao đời nay, dù cuộc sống của họ không lấy gì làm sung túc,  đầy đủ bởi họ còn thiếu rất nhiều những tiện nghi thiết yếu mà bất cứ cư dân  nào ở đất liền cũng cần phải có như xe máy, xe đạp , các phương tiện nghe nhìn. . .nhưng dường như với họ - cuộc sống trên ốc đảo này không thiếu những niềm vui bởi quanh họ luôn có màu sắc của hoa, của cây xanh.


Đầu trần, chân đất là hình ảnh quen thuộc của bọn trẻ ở đảo Bé  dù mùa hè ở đây nắng như đổ lửa

Hoa dại ở đảo Bé có màu tím thật lạ. Hoa mọc thành từng vạt ven lối đi.


Nước sinh hoạt của dân trên đảo Bé chủ yếu là nước mưa nên nhà nào trên đảo cũng sắm những chiếc chum to để chứa nước vào mùa mưa.

Từ đảo Bé nhìn về đảo Lớn ( Lý Sơn ), tuy chỉ cách có hơn 3 hải lý, nhưng vào mùa mưa bão, hàng tháng trời tàu của đảo Lớn không thể cập đảo Bé  vì sóng to gió lớn

Những chiếc thúng chai mỏng manh là  phương tiện mưu sinh hàng ngày của cư dân trên đảo

Dường như màu đỏ của hoa dâm bụt trên đảo Bé thắm hơn ở đất liền

Hoa cỏ là nguồn vui của những cư dân đảo Bé. Nhà nào ở đây cũng có những chậu hoa sứ nở hoa quanh năm



Trẻ con ở đảo Bé hầu như không biết gì đến game và các trò chơi online. Đánh banh bàn hay đá cầu, thả diều là trò chơi quen thuộc của các em. Trò chơi này gợi lên một ký ức xa xăm trong tôi.

Chỉ ở trên đảo không quá 2 giờ nên mẹ BB chỉ chụp vội mấy tấm ảnh chứ chưa có dịp khám phá hòn đảo xinh đẹp này.

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Đọc lại Mưa xuân của Nguyễn Bính


Tự dưng hôm nay trời lại đổ mưa, mưa kiểu mưa phùn xứ Bắc chứ không ào ạt như mưa rào ở Sài Gòn, cũng không kéo dài lê thê như mưa mùa đông ở xứ Huế làm mình chợt nhớ bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính. Bài thơ mình đọc thuộc lòng và luôn nằm trang trọng trong một góc nhớ của mình.
Mưa xuân                             
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây luạ trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng “hát tối nay”?
( Nguyễn Bính )
 Post tạm bài thơ, chờ tối về viết tiếp

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Về làng rau Trà Quế xem lễ cầu bông


Làng Trà Quế là một trong những vùng đất đựoc khai phá rất sớm sau khi Chúa Nguyễn vào Đàng Trong và mở mang Hội An thành một thương cảng nổi tiếng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cư dân Trà Quế vẫn nối tiếp nhau sinh sống trên đất làng mình. Tương truyền , thuở sơ khai, cư dân Trà Quế là những ngư dân thực thụ, kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông Đế Võng. Nhưng dân làng mỗi ngày mỗi đông, do đánh bắt nhiều nên cá tôm cũng ngày càng ít đi, đời sống của vạn chài ngày một khó khăn, dân làng mới thử khai phá đất đai trồng thêm lúa, thêm rau. Những vạt rau thơm, rau cải trồng trên đất làng này được bón bằng rong vớt trên sông Đế Võng nên rất mau xanh tốt và có  hương vị thơm ngon khác hẳn rau trồng trên các vùng đất khác nên mới có tên là Nhự Quế ( nghĩa là rau thơm) .

Theo các bô lão, danh xưng của làng gắn liền với nghề nghiệp của cư dân địa phương. Từ một vài gia đình trong làng trồng rau, dần dần nhà nhà trong làng đều chọn nghề trồng rau để mưu sinh nên tên Nhự Quế đựoc gọi thành Nhà Quế ( nghĩa là nhà nhà trồng rau thơm ). Đến khi cây rau trở thành loại cây chủ lực , được trồng đại trà , làng mới cải sửa lại thành Trà Quế. Ước đoán danh xưng Trà Quế đã có cách đây hơn hai thế kỷ. Nghề trồng rau ở Trà Quế đã trở thành thuơng hiệu của làng và hễ đến Hội An, du khách không thể bỏ qua một điểm đến nổi tiếng – làng rau Trà Quế.

Lễ cầu bông ở làng rau Trà Quế đựoc tổ chức thường xuyên vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch , là dịp để  nhân dân trong làng tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau Trà Quế, cầu trời đất cho một năm mưa thuận gió hòa , cầu Thần nông phù hộ cho rau hoa tươi tốt , cầu mọi sự an lành cho cư dân làng rau
Các phẩm vật đựoc dân làng dâng cúng trong lễ cầu bông ở làng rau Trà Quế là  các sản vật từ chăn nuôi và trồng trọt trên đất làng.
Ngoài lễ chính do chính quyền và các cụ bô lão của làng rau tổ chức cho nhân dân trong làng đến cúng thì tất cả các nhà dân trong làng đều có một mâm lễ cúng cầu bông với các phẩm vật gồm có xôi màu , gà trống non và hoa trái trong vườn nhà .. .Điều đặc biệt là mâm xôi màu cúng trong lễ cầu bông ở làng Trà Quế được nhuộm màu rất đẹp bằng các loại hoa trồng trên đất làng, Dân làng lấy hoa ép nước, ngâm với nếp nấu xôi để có những mâm xôi cúng Thần nông cầu mong một năm rau hoa tươi tốt.
Mùng 7 tháng giêng âm lịch, nhà nhà ở làng rau Trà Quế đều bày biện một mâm cúng thần nông cầu cho một năm rau hoa tươi tốt. Phẩm vật cúng gồm có một chú gà trống non luộc chín ngậm một bông hoa và mâm xôi nhuộm màu từ các loại hoa trồng trong vườn.
Sau lễ cúng cầu bông là tục lệ hạ cây nêu
Dân làng thi trồng rau giỏi
Tiết mục thú vị nhất trong lễ cầu bông là thi tài chế biến món ăn từ các sản vật của làng rau do những nguời phụ nữ giỏi giang của làng rau Trà Quế đảm nhận. Ảnh trên là món tam hữu, gồm có thịt heo luộc, tôm luộc và rau thơm đựoc buộc vào nhau bằng một cọng hành lá, ăn với nước mắm ớt tỏi.Đây là món đặc biệt chỉ có ở làng rau Trà Quế.
Cao lầu Hội An
Bánh xèo
Những cô thôn nữ ở làng rau Trà Quế vừa giỏi trồng rau lại khéo nấu ăn.