Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Món nợ cuộc đời

Mới đó mà đã gần 25 năm tôi đi làm báo. Cái nghề mà tôi đã chọn như một sự chọn lựa tất yếu để bước vào đời. Trong suốt những năm đi làm báo, tôi- cái cô phóng viên cao cao, to to, đi nhanh và nói nhanh như cái máy khâu ( hồi mới vào nghề tôi béo tròn, béo trục, nặng những 62kg) – như một số anh em ở cơ sở vẫn quen gọi – đã đi ko biết bao nhiêu lần về các xã vùng sâu, vùng xa ở khắp địa bàn của Quảng Nam- Đà Nẵng , Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung. Và mỗi lần đi về như vậy, tôi luôn mang trong mình một cảm giác có lỗi với người dân quê tôi. Và cái món nợ cuộc đời ấy, dường như với tôi – khó mà trả nổi.
Những năm 80, ai cũng nghèo. Mỗi lần đi công tác, tôi mang theo chiếc xe đạp cọc cạch của mình. Hễ đi vùng nào khoảng cách chừng 50 cây số trở lại, tôi đạp xe. Còn nếu xa hơn thì bỏ xe đạp lên xe đò. Mỗi lần đến nơi, chiếc xe đạp cà tàng của tôi ko còn hình thù gì, sên đi đằng sên, líp đi đằng líp. Mò mẫm cả buổi mới sửa xong cái xe thì hai bàn tay đen thui những dầu mỡ. Tôi nhớ cái lần đi chống hạn ở Bình Sa ( huyện Thăng Bình ) vào tháng 7.86. Năm ấy trời nắng như đổ lửa suốt 3 tháng, đồng ruộng ở quê tôi trơ khấc, nứt nẻ dưới nắng hạn; đến khoai lang – một loại cây chịu hạn mà cũng ko mọc nổi. Dân đói. Và cả tỉnh QN-ĐN tập trung sức chống hạn bằng mọi giá. Vậy là toàn dân đổ xô đi đào ao, tát nước, quần quật cả đêm lẫn ngày để cứu lúa, cứu khoai.
Tôi được tòa soạn phân công về vùng cát Thăng Bình viết về chống hạn. Đạp xe gần 70 cây số từ Đà Nẵng về đến xã Bình Sa trong cái nắng chói chang của xứ biển, mắt tôi mờ đi vì nắng, vì khát. Lấy đủ tư liệu cho bài viết thì đã 2g chiều. Bụng réo như sôi. Xã nghèo, dân ăn khoai trừ bữa. Lúc tôi xong việc thì nhà ai cũng đóng cửa đi tát nước. Tìm khắp nơi vẫn ko có hàng quán gì có thể ăn tạm. Tôi định đạp xe về , nhưng anh chủ tịch xã nằng nặc kéo tôi về nhà anh. Vợ anh vét mãi trong chum mới được hơn lon gạo và bắc bếp nấu cơm cho tôi. Bữa cơm chị nấu vội hôm ấy chỉ có cơm ăn với muối mè- mà toàn muối chứ ko có đường- tôi vừa ăn vừa nghẹn và quay đi để cả hai vợ chồng anh chủ tịch xã ko thấy nước mắt tôi lăn ra. Tôi thấy xấu hổ với bà con. Họ phải đào ao, vét từng giọt nước hiếm hoi để tưới và ăn nhín từng củ khoai trừ bữa, còn mình ko làm gì mà lại được ăn cơm trắng. Bài báo của tôi viết dù hay đến đâu cũng ko thể thay trời làm mưa. Mà họ thì đang cần nước tưới. Tôi thấy mình mắc nợ họ.
Và một lần vào tháng 9.1995, tôi về làng cá Bình Minh. Trong khi chờ thuyền đánh cá về bến buổi chiều, tôi lang thang khắp làng như một thói quen ko bỏ được khi về cơ sở. Anh cán bộ thôn dắt tôi vào một ngôi nhà- một túp lều rách thì đúng hơn. Túp lều ấy gá tạm vào bờ tường của một ngôi nhà thờ họ. Đó là nhà của bà mẹ VN anh hùng tên Nguyễn thị Diên- 78 tuổi. Anh cán bộ thôn giới thiệu mẹ Diên sống một mình bởi chồng mẹ là du kích hy sinh thời chống Pháp. Đứa con trai duy nhất của mẹ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Bây giờ mẹ sống nhờ vào số tiền trợ cấp cho các đối tượng chính sách mà cũng phải tằn tiện lắm mới đủ ăn. Tôi phải khom lưng mới bước vào được căn lều chỉ rộng chừng 3m2. Nhìn quanh quất, chỗ ở của mẹ Diên chẳng có gì đáng giá ngoài cái chăn len trên chiếc chõng tre cũ nát và cái bằng khen của Chủ tịch nước treo trên bức phên tre ( cái chăn là quà tặng của tỉnh nhân dịp mẹ được phong tặng bà mẹ VNAH). Như một thói quen, tôi khom lưng bước xuống bếp. Một niêu cơm bé xíu nguội ngắt bắc chỏng chơ trên ba hòn gạch làm bếp. Mớ lá dương liễu khô làm củi đun nằm vương vãi bên cạnh. Trên cái gióng mây treo trên vách bếp, tôi mở ra xem chỉ có một chén mắm cái ăn dở. Tôi ngồi thừ ra, mẹ sống cơ cực thế này sao chịu nổi. Chờ chừng 10 phút, mẹ đang cào lá dương làm cái đun bếp , nghe mấy đứa con nít nói có khách tới thăm vội te tái chạy về. Mẹ gầy, đen với mái tóc chỉ còn những sợi bạc nhưng ánh mắt vẫn còn tinh tường. Tôi sà xuống bên mẹ hỏi đủ thứ như đứa con đi xa trở về. Tôi hỏi mẹ ăn uống ra sao, mẹ cười móm mém, “mẹ nấu lon gạo ăn cả ngày, thức ăn thì cá vụn hoặc mắm, mẹ già rồi , ăn chi ko được. Tao ăn rứa mà sống tới bảy mấy tuổi rồi, bây lo chi”. Hỏi riết mới biết mẹ khi nhớ , khi quên. Có bữa nấu cơm chờ chín, mẹ qua nhà hàng xóm chơi, lúc về cứ nghĩ mình ăn cơm rồi, lên giường đi ngủ, sáng ra thấy nồi cơm còn y mới biết tối qua mình nhịn đói đi ngủ. Tôi nghe lòng nghẹn thắt. Tôi hỏi mẹ số tiền 3 triệu của tỉnh hỗ trợ cho mẹ hôm trao bằng chứng nhận Bà mẹ VNAH mẹ làm gì rồi, sao ko lấy tiền đó ra mua thức ăn, mua áo quần mặc. Mới hay, mẹ cho hàng xóm mượn làm ăn hết rồi. Tôi ngạc nhiên: Tiền của mẹ, mẹ ko để bồi dưỡng sức khỏe, cho họ mượn, lỡ họ ko trả thì sao. Mẹ cười hiền lành: Bà con họ cực khổ họ mới vay mượn, chứ ai giàu mà đi mượn tiền hả con. Mẹ ăn gì cũng qua ngày. Họ làm ăn được họ trả thì tốt, còn ko thì thôi. Mẹ cần gì tiền đó mẹ cũng sống được mà, cái tình mới quan trọng chứ con. Tôi nghe mẹ nói, nước mắt trào ra và tự trách mình suy nghĩ thật nhỏ nhen, ích kỷ. Ngồi với mẹ một lúc, tôi chào mẹ ra về. Trong túi có mấy chục nghìn, định mua cho Bầu món đồ chơi mới – tôi vét hết gửi biếu mẹ ăn trầu. Hình bóng mẹ Diên và câu nói của mẹ cứ bám theo tôi mãi đến bây giờ. Và tôi thấy như mình có lỗi với mẹ.
Trong suốt những năm đi đây, đi đó, những con người mà tôi đã gặp , đã nói chuyện đã cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Từ một cậu bé 16 tuổi mà trông quắt queo như một đứa trẻ lên 10 ở Tuy Phước ( Bình Định ) phải nuôi hai đứa em ăn học vì ba mẹ chúng đã bị lũ cuốn trôi trong cơn lũ lớn tháng 11 năm 1999. Cái cậu bé vừa làm bố vừa làm mẹ ,chân đi đôi dép rách xin của người lớn ấy mỗi bữa chỉ dám ăn lưng chén cơm - vì gạo của xã cấp cho cả ba anh em chỉ có 10kg/tháng - anh phải ăn nhín để dành cơm cho em. Tôi đã ôm em và khóc sướt mướt trong suốt buổi lễ trao học bổng mà báo tôi tổ chức dành cho học trò nghèo vùng bão và có bao nhiêu tiền trong túi lại vét sạch cho em. Tôi chỉ có thể làm vậy mà ko thể giúp gì hơn cho em bởi tôi còn một gia đình phải lo.
Và còn biết bao thân phận khác mà tôi đã gặp. Họ có chung một cái nghèo nhưng tấm lòng họ thật tốt và thật bao dung. Những con người mà tôi đưa vào bài viết của mình luôn tạo cho tôi nhiều ấn tượng về lòng tốt, sự vị tha và cách sống để làm người. Tôi học ở họ rất nhiều và tự hào nhờ có họ mà tôi trưởng thành trong nghề nghiệp, trong cuộc sống. Nhưng tôi đã làm gì được cho họ ngoài một số bài viết mà tôi không chắc rằng nó sẽ giúp cho họ bớt nghèo, bớt khổ, bởi tôi chỉ là một người làm báo- tôi chỉ có thể làm được những điều mà nghề nghiệp của tôi cho phép. Và tôi luôn thấy mình mắc nợ họ- món nợ cuộc đời.

30 nhận xét:

  1. Cái chị đã làm là mang tấm lòng và sự bao dung của họ đến với cuộc đời, để cuộc đời thấy rằng họ thật giàu còn đời đôi khi thật nghèo.

    Trả lờiXóa
  2. bây giờ có nhiều "nhà báo sa-lông" ngồi nhà ra phóng sự, viết theo chỉ đạo, dự họp báo... nhận phong bì. chán mớ đời. làm nghề mà không thẹn với mình, với nghề là điều đáng quý lắm lắm chị à (mà cũng hiếm nữa!)

    Trả lờiXóa
  3. Đọc xong mà xúc động quá mẹ BB ạ. Những điều tốt đẹp có thể mang đến được cho những người dân nghèo vất vả nhưng chân thật ấy bạn đã làm được rồi. Nhân ngày nhà báo Việt Nam chúc mẹ BB luôn khoẻ mạnh,vui vẻ, trẻ trung với tấm lòng trong và ngọn bút sắc nhé!

    Trả lờiXóa
  4. @Nguoigia: Mẹ Bầu Bí cám ơn cậu Năm đã chia sẻ nhiều thật nhiều.:)

    Trả lờiXóa
  5. @Mẹ Beo: Chị lại thích bài " Để gió cuốn đi" mẹ Beo ạ! :)

    Trả lờiXóa
  6. @Cyclo: Em rất sợ mình trở thành nhà báo salon như anh nói, và cũng sợ các đồng nghiệp trẻ ảo tưởng về nghề báo và ko giữ nổi mình anh ạ.:)

    Trả lờiXóa
  7. @Mẹ Mướp: Mẹ BB cám ơn sự chia sẻ của mẹ Mướp nhé! Cám ơn thật nhiều những tình cảm mà bạn đã giành cho mẹ BB.:)

    Trả lờiXóa
  8. entry hay wa'...hixhix.....ch làm saigon mưa....

    Trả lờiXóa
  9. Bài ni đọc lâu rồi giờ đọc lại cũng còn thấy hay

    Trả lờiXóa
  10. Em đọc rồi bên 360, đọc lại cũng khóc. Chị tâm huyết với nghề quá. Nhân vật của chị cũng buồn gì đâu á, người tốt bụng thì hay nghèo, vì không so thiệt tính hơn, có gì cũng đem cho người khác thì sao mà giàu được.....

    Trả lờiXóa
  11. @Hothu: Nín đi nhóc, chị đền cho em một ngày đầy nắng nè. Chị gom hết nắng của miền Trung gửi vào Nam nhé! Hị hị.

    Trả lờiXóa
  12. @Anh Phan Văn Tú: Mẹ Bầu Bí cám ơn bác Tú chịu khó đọc lại.:)

    Trả lờiXóa
  13. @ Caonguyenbui: Mẹ BB cám ơn dì Nguyên nhé! Người tốt bụng ko giàu tiền bạc nhưng giàu tình nghĩa em ạ.

    Trả lờiXóa
  14. Đọc cảm động , chị a.Đã cầm bút viết , thì phải viết với cả tấm lòng như chị .nếu không thà không viết.

    Trả lờiXóa
  15. @Thaominhhue: Chị hạnh phúc vì mình đã chọn nghề và sống đúng nghĩa với nghề em ạ! Cám ơn em đã chịu khó đọc.:)

    Trả lờiXóa
  16. BB ui! rang tiec kiem nhu rua? Chu nho xiu doc xong do ca mat. (hihihi! mat dau rui).

    Trả lờiXóa
  17. Đầu tuần, lại vào đọc bài này của chị...

    Trả lờiXóa
  18. Anh cũng đọc lại nè. Cảm phục! :-))

    Trả lờiXóa
  19. em thấy thế hệ làm báo của em hời hợt quá. EM mới vào nghề hơn một năm thôi

    Trả lờiXóa
  20. ... xin trả nợ đời ... Nhưng, lại là một món nợ hoàn toàn khác.

    Trả lờiXóa
  21. Viết về Mẹ Diên cảm động quá.
    Đúng là nhiều khi cảm thấy mình còn mắc nợ dân nhiều lắm.
    Làm sao cho dân bớt khổ ?

    Trả lờiXóa
  22. Đi Cù lao Chàm về lại muốn đi nữa, k muốn làm việc!

    Trả lờiXóa
  23. Vào đọc lại ẻnty này của chị .:D

    Trả lờiXóa
  24. Hồi trẻ chị mê lắm nghề này nhưng do ko có duyên nên ko theo nghề .Khi ta càng yêu người bao nhiêu ta lại thấy yêu nghề bấy nhiêu phải ko mebaubi . Chỉ là bây giờ nhiều người làm báo thiếu niềm say mê , thiếu tính chiến đấu cao hoặc vì nhiều lý do khác nữa nên báo chí mình cứ nhàn nhạt đến đáng lo !!
    Vẫn chúc mebaubi luôn thích tìm những ngõ ngách giữa đời thường để yêu người và yêu nghề nhé .

    Trả lờiXóa
  25. Comment dễ thương và thật chân tình!

    Trả lờiXóa
  26. cũng tại cái "hộ khẩu TP", nếu không em đã là đồng nghiệp của Chị rồi nhỉ!

    Trả lờiXóa
  27. Đọc 25 năm làm báo của Chị mebaubi, tôi cảm nhận được chân tình của một người làm báo đúng nghĩa. Tôi mong và luôn tin làng báo Việt Nam nơi quê nhà thể hiện đúng chức năng của mình, nhưng tiếc là những cây bút chân chính ấy vẫn bị "che mờ" bởi những cây bút "công hầu danh tước".

    Trả lờiXóa
  28. Nhìn cái ảnh này...Có lẽ không nghề nào hợp với chị hơn nghề báo!

    Trả lờiXóa
  29. hehehe. cũng may là em không làm nghề báo Chị nhỉ? nếu không thì đã như Chị okoka la koka rồi...

    Trả lờiXóa