Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Mùa mưa bão lại về


Đêm qua nằm nghe mưa ầm ào trên mái, nghe tiếng gió rít qua khe cửa, gió giật giàn hoa giấy ràn rạt trước nhà , tôi lại liên tưởng đến những cơn bão sắp sửa tràn qua mà thấy lo trong lòng. Có lẽ trên dải đất hình chữ S này, không có nơi nào lại chịu nhiều thiên tai như vùng duyên hải miền Trung. Và cái nghèo cũng từ thiên tai mà ra. Hết nắng hạn đến mưa bão, chuyện mưu sinh không dễ dàng nên người miền Trung hay chắt chiu, dành dụm . Như con kiến mùa hè chăm chỉ tha mồi, tích cóp cái ăn cho những ngày mùa đông giá rét , người dân quê tôi cũng vậy. Ngày tôi còn nhỏ, hễ vào mùa hè, cá nam được mùa( cá cơm, cá nục), bao giờ má tôi cũng muối hàng chục hũ mắm cá cơm và cá thính để dành cho mùa mưa. Gạo thì trữ sẵn trong lu. Vào mùa mưa , chỉ cần có cơm và mắm là yên tâm, không sợ đói.
Ngày bé, ở cái tuổi “ chỉ biết ăn thôi chả biết gì ” tôi thích mưa bão. Bởi mưa to gió lớn thì được nghỉ học ở nhà , rúc trong chăn đọc sách và ăn bắp rang, rồi bày ra đủ thứ trò nghịch ngợm . Vốn là đứa hiếu động, cứ hễ có bão là tôi tìm mọi cách lẻn ra khỏi nhà , sục sạo hái trộm ổi, mãng cầu, ô ma( trong Nam gọi là trái lêkima, miền Bắc gọi là quả trứng gà) . . của nhà hàng xóm ( gió bão ai cũng ở trong nhà đóng kín cửa, tôi mặc sức mà tung hoành) , may mà chưa bị ai phát giác. Còn nước lũ tràn về thì nghỉ học dài ngày, tha hồ ngủ nướng , ăn no rồi lội nước đi bắt cá, bắt dế . . .Tôi nhớ có lần, hồi đó tôi đang học lớp 4, con Út được mẹ mua cho một đôi dép nhựa màu hồng rất đẹp. Tại tôi giống con trai nên ba tôi toàn may áo quần và dép con trai cho tôi đi. Tôi rất thích đôi dép đó nên hay mượn con Út mang ké . Chân tôi to, chân con Út nhỏ nên tôi chỉ đi vừa hai phần bàn chân. Con Út tiếc đôi dép nhưng sợ chị ko cho chơi cùng nên đành phải cho mượn. Sau mấy ngày mưa to, nước sông Thu Bồn tràn về. Hai chị em được nghỉ học. Tôi rủ con Út ra bờ sông lội nước lụt. Chân tôi đi đôi dép nhựa của Út. Nước mé sông chảy xiết, thèm lội nước quá, tôi thò chân xuống chỗ nước vừa lấp ló mép đường, ko ngờ chiếc dép tụt khỏi chân tôi trôi theo dòng nước. Sợ bị ba đánh đòn, tôi nhảy ào xuống dòng nước đang chảy để chụp lại chiếc dép, nước tràn qua mặt tôi , cuốn tôi trôi cách bờ hơn hàng sải tay. Trời ạ, may quá lúc đó có một bác nông dân đi cất vó ,thấy vậy nhảy xuống kéo tôi vào bờ. Con Út trên bờ sợ chết điếng, khóc ko ra tiếng. Tôi thoát chết, áo quần ướt sũng, đôi dép trôi mất, sợ ko dám về nhà. Chiều tối mẹ tôi ra sông tìm hai chị em dắt về, lúc ấy mới phát hiện bị mất đôi dép nhưng ko hề biết tôi sém chết đuối( tôi dặn con Út ko được nói – và đến bây giờ chuyện đó vẫn được giữ kín, con Út ko dám nói với ai bao giờ) . Tôi bị ba tôi đánh một trận nhớ đời vì tội trốn nhà đi lội nước lụt để trôi mất dép của em. Tôi nghiến răng chịu đau mà ko khóc. Chỉ thương con Út mất đôi dép đẹp.
Tôi lớn lên và quen dần với những mùa mưa bão qua đời mình. Mỗi năm lại chồng chất thêm nỗi lo. Tôi đâm ghét mưa và sợ bão. Hồi Bầu còn đi nhà trẻ, nhà chỉ có hai mẹ con , mùa mưa đưa con đi học là một cực hình. Chạy xe mưa tạt trước tạt sau ướt cả mẹ lẫn con. Buổi chiều mới 5 g trời đã tối sầm. Xong tin bài ở cơ quan lại sấp ngửa trở về đón con. Có bữa mẹ đón trễ, Bầu ôm ba lô đứng chờ mà miệng mếu xệch. Đón được con về, nấu cho con ăn xong mẹ lại tất tả giặt áo quần, ủi cả giờ đồng hồ áo quần mới chịu khô để mai con có áo đi học. Nghĩ lại mà sợ. Hễ có bão thì còn sợ hơn.Làm phóng viên thời sự , mưa bão phải xông trận, mà con thì ko ai đón, gửi hàng xóm thì ko yên tâm, nghĩ lại thời ấy, tôi vẫn còn rùng mình.
Có ai đó nói rằng đặc sản của miền Trung là mưa bão và lũ dữ , đúng sai  thế nào thì tôi ko bàn. Nhưng chắc hẳn do quen đối mặt với mưa bão, lũ dữ nên dân miền Trung cứng cỏi và quen chịu đựng khó khăn, gian khổ. Hình như đây mới chính là đặc sản của miền Trung.
( Một entry cũ , mẹ Bầu Bí post lại trước khi cơn bão số 9 có tên gọi Ketsana chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung )

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Đuờng lên Trúc Lâm Bạch Mã

Từ trung tâm TP Huế xuôi về Nam trên QL 1A chừng 30 km đến xứ Truồi ( huyện Phú Lộc ) , ngựoc theo dòng sông Truồi về phía thuợng nguồn khoảng 10 km sẽ đến bến phà Truồi. Phóng tầm mắt qua bờ bên kia sẽ thấy thấp thoáng sau ngọn đồi là thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã . Đây là một địa chỉ mới của thiền phái Trúc Lâm tại Huế ngoài các thiền viện Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Lạt, Tây Thiên (Vĩnh Phúc) .Quần thể kiến trúc của thiền viện .đuợc xây dựng trên một khu đồi nguyên sinh bên kia bờ hồ Truồi dưới chân đỉnh Bạch Mã mờ suơng. Vốn mê các câu chuyện cổ tích từ bé , nên tôi ngỡ chừng đó là cung điện của bà Tây Vuơng Mẫu thoắt ẩn thoắt hiện trong những đám mây trắng bồng bềnh và tôi như Lưu – Nguyễn ngày xưa lạc lối vào thiên thai.
Qua hồ Truồi với sóng nuớc mênh mang , xanh biếc , vượt 172 bậc tam cấp , ta sẽ đến cổng tam quan của Trúc Lâm Bạch Mã. Tuy phải leo dốc cao nhưng những ngọn gió thổi rì rào qua cây lá và tiếng chim hót ríu ran trên ngọn cây như xua tan hết mệt nhọc. Đứng truớc cổng tam quan nhìn bao quát về phía xa xa với trời mây non nước, cảm giác như vừa đuợc rũ sạch mọi  lo toan phiền muộn và thấy những sân si của cuộc đời như trôi tuột vào cõi hư vô.
Anh6jpg.jpg Truc Lam. Anh 6 picture by mebaubi
Men theo con đừong đất ngựoc sông Truồi chừng 10km sẽ đến bến phà.
Anh1-1.jpg Truc Lam 1 picture by mebaubi
Toàn cảnh Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ phía bên này hồ Truồi.
Anh2.jpg Truc Lam 2 picture by mebaubi
Chuyến phà ngang hồ Truồi chỉ mất chừng 5 phút
Anh4.jpg Truc Lam 4 picture by mebaubi
Dọc đuờng lên 172 bậc tam cấp, phong cảnh đẹp như trong tranh
Anh3.jpg Truc Lam 3 picture by mebaubi
Màu đỏ của hoa trạng nguyên làm sáng bừng cả một góc rừng già
Anh5.jpg Truc Lam 5 picture by mebaubi
Vựot 172 bậc cấp đến truớc cổng tam quan, bỗng chốc mọi "hỉ, nộ ,ái, ố" như không còn tồn tại.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Lẩu cá kèo

Đất Sài Gòn gần như tập trung các món ngon của cả nước. Có thể tìm thấy bất kỳ món ăn nào của xứ Bắc với phở bò, phở gà, miến luơn, bún ốc, bún riêu, bánh cuốn. .. hay các món bánh bèo , nậm , lọc , cơm hến của xứ Huế rồi bún bò, mì Quảng, cao lầu Hội An hay nem Ninh Hòa, bánh căn, bánh khọt của Phan Thiết rồi đến các món nuớng, món lẩu của đồng bằng Nam Bộ. Ở Sài Gòn muốn ăn gì cũng có, cũng sẵn, nhưng với cái tật chỉ thích ăn rau, dưa của tôi thì chỉ có món lẩu cá kèo là đuợc tôi cho điểm cao. Có thể nói, món lẩu cá kèo là đặc sản của sông nước Nam Bộ. Nó tập hợp tất cả các vị mặn, ngọt, cay, chua kể cả đắng thành một vị ngon riêng- rất đặc biệt - mà hễ ăn một lần là tuơng tư . Tôi là một ví dụ rất sinh động. Cứ lần nào về SG họp, dù bận đến mấy  tôi cũng phải mò ra quán lẩu cá kèo ở Bà huyện Thanh Quan ( truớc đây quán này rất ngon, nhưng bây giờ thì kém hơn ) hoặc quán Rau Đắng ở đuờng Nguyễn thị Diệu. Ở đây có nguyên một con phố gồm nhiều quán lẩu cá kèo, nhưng chỉ có hai nơi này ngon hơn, và chỗ ngồi cũng rộng rãi, mát mẻ hơn.
Ăn lẩu cá kèo thích nhất là lúc trời hơi mưa mưa, lành lạnh. Nồi lẩu sôi trên bếp than hồng, trút đĩa cá còn đang quẫy vào, chỉ chừng năm phút sau là có thể gắp từng con ra đĩa  chấm vào chén nuớc mắm nguyên chất dầm ớt. Cá kèo ăn nguyên con mới ngon. Mật cá kèo hơi nhẫn nhẫn, đăng đắng tan ra trong đầu luỡi , thịt cá ngọt thanh quyện với vị mặn và cay xè của nước mắm dầm ớt- nuốt vào đến đâu biết đến đó. Lẩu cá kèo ngon một phần nhờ vào vị chua của lá giang. Lá giang cho vào nồi lẩu cá kèo ko chỉ làm mất mùi tanh của cá mà còn làm cho thịt cá săn lại và thơm hơn. Rau ăn lẩu cá kèo cũng khác với các món lẩu khác. Rau dút, rau đắng , bắp chuối xắt mỏng và cộng rau muống. Các loại rau này duờng như sinh ra để hòa hợp với món lẩu cá kèo. Bởi lẽ, chẳng ai ăn chung rau đắng, rau muống , rau dút và bắp chuối với các món khác cả, vì chúng rất lạc điệu. Nhưng đặt những loại rau này bên cạnh nồi lẩu cá kèo, thấy duờng như có một sự gắn kết rất lạ và hợp lý cả về màu sắc của các loại rau, của lá giang, của mớ cá kèo mà khi ăn món lẩu này tôi mới nhận ra điều đó.


Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Bến sông quê

Không như ở hai đầu đất nước có những dòng sông đỏ nặng phù sa, sông ở miền Trung thì ngược lại, nước trong xanh ngăn ngắt với hàng tre soi bóng ven bờ. Có lẽ con sông quê trong bài thơ " Nhớ con sông quê hương " của nhà thơ Tế Hanh không chỉ là sông Trà Bồng ( ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi , quê của nhà thơ ) mà là tất cả những dòng sông ở miền Trung đều xanh biếc với "nước gương trong soi tóc những hàng tre". Đi dọc miền Trung từ Quảng Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế , vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi. . . không thể đếm hết có bao nhiêu con sông quê. Chỉ biết rằng tất cả những dòng sông đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi đổ xuôi về biển, qua bao thác ghềnh, bờ bãi .. .
Có ai đi xa mà không nhớ quê, không nhớ những bến sông quê một thời thơ ấu. Cái bến sông thuở nhỏ tập bơi, tập lặn và theo lũ con trai lội qua cồn bẻ bắp trộm đem về bị ba bắt đánh đòn mà không dám khóc. Cái bến sông thuở mới lớn bồi hồi trong đêm trăng sáng với tiếng guitar bập bùng trong bản tình ca hát nửa chừng mà không có đoạn kết. Dù " sông sâu bên lở bên bồi. . ." nhưng bến sông quê ấy vẫn luôn níu hồn ai.
Song_2.jpg picture by mebaubi
Bến sông quê ngoại
Song_1.jpg picture by mebaubi
Một góc sông Cổ Cò đoạn xuôi về Cửa Đại - Hội An
song5jpg.jpg picture by mebaubi
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa
song4.jpg song 4 picture by mebaubi
Góc bình yên nơi dòng sông Hoài gặp biển
Song3.jpg picture by mebaubi
Sông Truồi ( Phú Lộc , Huế )