Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Ông già Noel - Chuyện bây giờ mới kể

Thu2.jpg picture by mebaubi
Sau đây là câu chuyện về ông già Noel mà tôi giữ kín từ nhiều năm nay, bây giờ Bầu đã lên lớp 10 , Bí học lớp 7 - đã quá tuổi nhận quà của ông già Noel nên mẹ Bầu Bí mới đem chuyện này ra kể - và chắc rằng nếu Bầu và Bí đọc đựoc sẽ hiểu và tha lỗi cho mẹ.
Tôi là dân ngoại đạo. Nhưng từ bé, mỗi lần Noel về, tôi vẫn hay theo lũ bạn trong xóm đi xem lễ ở nhà thờ và nhìn những món quà mà bọn trẻ con xóm đạo nhận đựoc vào ngày Chúa giáng sinh mà thèm thuồng. Trong suy nghĩ của tôi, ông già Noel là có thật. Trong giấc mơ trẻ thơ của tôi, cứ vào đêm Giáng sinh là ông già Noel lại  xuất hiện với chiếc xe kéo và bầy tuần lộc cùng với túi quà to tướng sau lưng đến từng nhà phân phát những món quà be bé, xinh xinh cho những đứa trẻ ngoan, học giỏi, trong đó có tôi. Dù giấc mơ của tôi chưa bao giờ trở thành hiện thực, song trong những năm còn niên thiếu, tôi luôn cố gắng chăm học và luôn hy vọng rằng trong một đêm giáng sinh nào đó, biết đâu ông già Noel sẽ đến và gõ cửa nhà tôi.
Cho đến khi Bầu và Bí lần lượt ra đời , tôi luôn mong các con tôi có một niềm tin trọn vẹn và tốt đẹp vào ông già Noel. Và khi Bầu bước vào lớp Một, tôi đã nói với Bầu  rằng để được ông già Noel đến nhà tặng quà trong đêm Giáng sinh, con tôi phải viết thư cho ông và phải hứa với ông sẽ ngoan hơn, học giỏi hơn. Những bức thư gửi ông già Noel hàng năm được các con tôi viết luôn nắn nót, cẩn thận. Từ Bầu rồi đến Bí đều làm như vậy.
Tôi nhận nhiệm vụ kiểm duyệt và đi gửi thư cho ông. Những lá thư của hai đứa viết tuy lời lẽ ngô nghê con trẻ nhưng tràn đầy tình cảm. Trong thư, ngoài việc thông báo kết quả học tập của năm trước với ông già Noel, cả hai còn hứa sẽ đạt điểm cao trong đợt kiểm tra học kỳ 1, hứa sẽ ngoan hơn, chăm học hơn và dành thời gian giúp đỡ mẹ nấu cơm, quét nhà. Một người bạn thân của tôi đã tình nguyện viết những lá thư hồi âm cho các cháu với tư cách là ông già Noel. Những lá thư này được tôi để chung trong gói quà mà Bầu và Bí đề nghị được ông tặng và lén đặt trên đầu giường trong đêm Noel lúc hai đứa đã ngủ say. Sáng dậy, nhìn các con tôi vui mừng với món quà được ông già Noel tặng và chăm chú đọc lá thư ông viết, tôi vui lây với niềm vui thơ trẻ của con.
Năm Bầu lên 9 tuổi và đang học lớp 3, cháu rất thích một cây trượt (giống như chiếc xe đẩy) để chiều chiều mang ra công viên chơi với các bạn. Biết rằng tôi sẽ không đồng ý nên Bầu nói rằng con sẽ viết thư xin ông già Noel tặng vào dịp Giáng sinh 2002. Vào thời điểm ấy giá cây trượt này lên đến hơn 200.000 đồng. Không thể tặng con một món quà có giá trị lớn như vậy khi cháu còn quá nhỏ, hơn nữa tôi không muốn con mình quen với kiểu muốn gì được nấy; nên tôi khuyên Bầu : “Còn rất nhiều bạn nhỏ khác có hoàn cảnh sống khó khăn và các bạn ấy rất mong được ông già Noel tặng quà. Nếu ông tặng con chiếc xe trượt thì các bạn nhỏ ấy sẽ không có quà, bởi vì muốn mua được chiếc xe trượt thì ông phải bớt các phần quà khác lại. Mẹ thật sự không muốn vì một mình con mà nhiều bạn khác không nhận được quà của ông già Noel”.
Nghe tôi nói vậy, Bầu lặng thinh và ra chiều suy nghĩ. Một tuần sau, cháu đưa thư cho tôi và nói: “Con nói với ông tặng con món quà gì cũng được. Ông để tiền mua quà cho các bạn nhỏ khác”. Năm Bầu học lớp 5, Bầu đã biết quan tâm đến nhiều người sống chung quanh mình. Những điều ấy đã được thể hiện trong lá thư cháu gửi ông già Noel làm tôi hết sức xúc động: “Noel năm nay con chẳng mong muốn gì nhiều. Con chỉ xin ông gửi phần quà ông sẽ tặng con đến các em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam. Con chỉ mong như vậy, ông giúp con nhé! Con chào ông già Noel!”.
Trong suy nghĩ của các con tôi, ông già Noel có thật và đang sống ở một đất nước xa xôi - nơi ấy rất lạnh và có nhiều tuyết rơi nên ông luôn mặc bộ đồ ấm và đội mũ màu đỏ. Hằng ngày ông làm nhiều việc vất vả kiếm tiền gửi tiết kiệm để mua quà cho các bạn nhỏ ngoan trong đêm Giáng sinh. Và tôi cũng khẳng định với Bầu và Bí : đúng là như thế!
Mẹ Bầu Bí chép lại một vài bức thư của Bầu và Bí đã viết gửi ông già Noel nhé!
Đà Nẵng -13.12.2004
Con chào ông già Noel!
Ông còn nhớ con chứ ạ? Con là Hoài Giang – bé Bầu đây ông ạ!
Ông ơi, năm lớp 4 con đã đạt đựoc danh hiệu “ Học sinh xuất sắc” và “ Cháu ngoan Bác Hồ”. Còn năm nay, con đã đựoc vào đội tuyển “ Chuyên Toán – Tiếng Việt” khối lớp 5 của trừong. Ồng ơi, không biết năm nay con có thể thi đậu vào truờng Nguyễn Khuyến đựoc hay không? Con luôn hy vọng và sẽ phấn đấu học tập để đạt đựoc kết quả thi tốt nghiệp tốt và đậu vào trường Nguyễn Khuyến. Và con hứa với ông là sẽ như vậy.
Ông già Noel ơi!
Noel năm nay , con chẳng mong muốn gì nhiều. Con chỉ xin ông gởi một phần quà nhỏ mọn của con cho các em nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam. Cháu chỉ mong như vậy!
Con chào ông .
                           Nguyễn Hoài Giang
                       Lô 15 B4 Lý Tự Trọng nối dài
 Vì mẹ Bầu Bí nói với hai đứa là lên lớp 6 sẽ không đuợc ông già Noel tặng quà, vì ông để tiền mua quà cho các em nhỏ, nên lên lớp 6 Bầu rất tiếc và vẫn gửi thư cho ông với một niềm tin sâu sắc là vẫn có ông già Noel thật. Đến bây giờ bí mật này cả Bầu và Bí vẫn chưa biết là mẹ chính là ngừoi đạo diễn mọi chuyện.
Đà Nẵng , 12.12.2005
Ông già Noel kính mến!
Một năm nữa lại lặng lẽ đi qua. Vậy là cháu lại đựoc cùng gia đình đón lễ Giáng sinh.
Cháu biết năm nay cháu sẽ không đựoc ông phát quà nữa. Nhưng cháu vẫn cứ thích viết thư cho ông đấy, ông ạ! Cháu không xin quà cho cháu mà là cho các bạn nhỏ mồ côi phải lăn lộn ngoài đời để kiếm sống. So với nỗi khổ của các bạn nhỏ ấy thì cháu thật nhỏ bé biết bao. Như thế là đã làm một việc tốt phải không ông?
À, ông ơi, thế là cháu đã thực hiện đúng lời hứa rồi đấy ạ! Cháu đạt đựoc giải Nhì học sinh giỏi thành phố và đậu vào trừong chuyên Nguyễn Khuyến.Ông sẽ rất vui phải không ông? Cháu hứa năm sau cháu sẽ đạt đựoc thành tích cao hơn.
Thư đã dài, cháu xin ngừng bút. Chúc ông mạnh khỏe, vui vẻ để đi phát quà cho trẻ em.
                                                                                                 Cháu yêu quý của ông
                                                                                                           Bầu
                                                                                              Nguyễn Hoài Giang
Và đây là thư của Bí năm Bí học lớp Hai
Đà Nẵng, ngày 12 tháng 12 năm 2004
Ông già Noel kính mến! Đã một năm trôi qua cháu lại đựoc viết thư cho ông, cháu rất vui ông ạ! Vì lại một lần nữa cháu đựoc đón Giáng sinh.
Dạo này ông có khỏe không?
Cháu và gia đình cháu đều rất khỏe. Dạo này cháu đựoc nhiều điểm 10. Cháu biết bây giờ chị Bầu đã lớn rồi nên không đựoc ông tặng quà nữa. nhưng chị ấy vẫn cố gắng học cho thật giỏi để ông vui lòng.
Cháu vẫn nhớ năm trước đựoc ông tặng chú thỏ bông rất dễ thuơng và những quyền truyện.
Trước khi dừng bút, cháu chúc ông mạnh khỏe, sống lâu và cháu xin hứa sẽ luôn cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn.
Cháu của ông
                                                                                                                               
Năm Bí học lớp Ba
 Đà Nẵng, ngày  15 tháng  12 năm 2006
Ông già Noel kính mến!
Đã qua một năm rồi, ngày Giáng sinh lại tới. Trên khắp thế giới mọi nguời đều nô nức tưng bừng đón Noel. Cháu cũng vậy ông ạ. Vừa rồi thi giữa kỳ I, cháu đựoc điểm 10 hết đấy ông ạ. Năm nay, cháu chẳng biết sẽ đựoc tặng món quà nào, cháu nghĩ nếu đựoc cùng ông đi phát quà cho các bạn nhỏ khác thì vui biết mấy ông nhỉ!
À, năm trước cháu nhớ rằng ông muốn có một bức tranh phải không ạ?
Bức tranh đó cháu đã hoàn thành rồi đấy ông ạ! Thôi thư đã dài, cháu xin dừng bút. Cháu chúc ông mạnh khỏe, sống lâu.
Cháu của ông
Bé Bí
TranhBeBi.jpg picture by mebaubi

 Thật lòng là tôi muốn giữ kín chuyện này để sau này khi Bầu và Bí trửong thành mới kể. Nhưng Noel năm 2004, bạn tôi là Biên tập viên báo Tuổi  Trẻ ( người đuợc ủy nhiệm của tôi viết thư cho Bầu Bí ) khuyên tôi nên lấy câu chuyện này viết cho trang Noel của báo vì hôm đó kẹt bài quá. Nể bạn, tôi viết nhưng ko dám ký tên thật mà là ký bút danh Ngân Hà. Bài báo đó đựoc chọn đăng trên mục Thời sự suy nghĩ số báo ra ngày 24.12.2004. Tờ báo đó tôi giấu biến đi không cho Bầu và Bí nhìn thấy vì sợ chúng nó biết là mẹ mình đã viết câu chuyện thật của hai đứa.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=61130&ChannelID=87




Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Bánh xèo



Không như bánh xèo Nam Bộ to như một cái bánh tráng với đủ các loại nguyên liệu từ thịt, tôm, trứng, đậu xanh, nấm… và chỉ ăn một cái là no cả ngày; bánh xèo miền Trung thường đúc trong một cái chảo nhỏ nhỉnh hơn cái miệng bát một chút. Bánh làm bằng bột gạo khuấy vừa với nước lạnh, cho tí muối bột, thêm một chút bột nghệ cho vàng và nguyên liệu làm bánh gồm tôm, thịt ba chỉ, giá đậu xanh. Nghe có vẻ đơn giản vậy, nhưng để làm được những chiếc bánh xèo ngon cũng đòi hỏi phải chịu khó chọn nguyên liệu. 
Buổi sáng đi chợ đừng vào hàng cá vội. Chịu khó rảo ở dãy hàng quà quê, thể nào cũng tìm được mớ tôm đất đang búng tanh tách trong rổ tre. Tôm này mà làm bánh xèo thì hợp phải biết vì thịt tôm ngọt, vỏ lại giòn chứ không cứng như loại tôm bạc nuôi hay tôm biển. Thịt làm bánh xèo chọn loại ba chỉ gần nách, hay thịt vai càng ngon. Chọn mua thêm mớ giá đậu xanh loại ngắn (loại dài nhiều nước, không ngọt), mớ rau húng với cải con, rau quế và mấy trái khế chua  chuối chát. Gạo làm bánh xèo là thứ gạo quê. Gạo này nấu cơm thì hơi khô, khó ăn, nhưng nếu đem xay bột làm bánh xèo, mì Quảng, bánh ướt thì không chê vào đâu được. Tôm làm sạch, thịt xắt mỏng đem ướp gia vị, xong khuấy sơ trên chảo dầu cho săn lại. Bắc chảo lên bếp than hồng, dùng mỡ chài (mỡ heo) nhúng vào chén dầu ăn và láng trên mặt chảo. Chờ chảo nóng cho vào vài con tôm, lát thịt xong múc một vá bột tráng đều trên mặt chảo. Chảo dầu đang nóng, lúc đổ bột vào nghe xèo xèo rất đã tai. Đậy chảo bánh lại, chừng vài phút sau cho thêm một nhúm giá vào, canh chừng ba phút là bánh vừa chín giòn, dùng đũa gập chiếc bánh lại làm đôi và gắp ra đĩa. 
Nước chấm bánh xèo có thể làm nước mắm chua ngọt, mắm cái hoặc tương. Thông thường thì chấm tương là hợp nhất (tương làm bằng gan heo bằm nhuyễn, xào chín rồi cho ít bột vào đảo đều, nêm nếm vừa ăn), nhưng tôi vốn dân Hội An ưa ăn mặn nên thường chấm bánh xèo vào mắm cái dầm ớt thật cay mới đã. Bánh xèo miền Trung thường cuốn với bánh tráng mỏng, cho vào ít rau sống và không thể thiếu chuối chát và khế. Chuối chát và khế xắt mỏng dọc theo trái, ngâm vào nước lạnh cho khỏi thâm. Lúc nào ăn mới vớt ra cho vào đĩa. Rau sống cũng vậy. Bánh tráng dẻo, bánh xèo giòn, rau thơm, khế chua, chuối chát, chừng đó thứ quyện lại với nhau cùng chấm vào chén mắm cái dầm ớt, cắn một cái thấy nguời ấm sực dù lúc này ngoài trời, mưa đang lâm thâm và gió thổi hun hút trong cái lạnh đầu đông. 
 Bây giờ làm bánh xèo khỏe hơn nhiều vì bột nguyên liệu làm bánh xèo bán đầy ngoài chợ, chứ không phải đi xay như lúc trước, nhưng tôi vẫn nhớ cái cảm giác thích thú mỗi lần nhà làm bánh lúc tôi còn nhỏ. Vốn tham ăn nên hễ má sai đi xúc gạo xay bột làm bánh, lần nào tôi cũng lấy đủ số gạo theo lời của má xong còn vục hai bàn tay vào chum để múc thêm một mớ. Bánh xèo nhà làm lần nào cũng chừa phần cho tôi ăn xế rồi ăn chiều vẫn thấy ngon như thuờng. Bây giờ bánh xèo bán nhan nhản ngoài phố, muốn ăn mùa nào cũng có, nhưng cái cảm giác ăn bánh xèo ngoài hàng quán dường như không còn ngon như hồi tôi tự tay xay bột và ngồi chờ má đúc bánh đổ ra được cái nào ăn ngay cái nấy trong trời mưa rét ngày xưa.
 
banh xeo

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Mùa mưa bão lại về


Đêm qua nằm nghe mưa ầm ào trên mái, nghe tiếng gió rít qua khe cửa, gió giật giàn hoa giấy ràn rạt trước nhà , tôi lại liên tưởng đến những cơn bão sắp sửa tràn qua mà thấy lo trong lòng. Có lẽ trên dải đất hình chữ S này, không có nơi nào lại chịu nhiều thiên tai như vùng duyên hải miền Trung. Và cái nghèo cũng từ thiên tai mà ra. Hết nắng hạn đến mưa bão, chuyện mưu sinh không dễ dàng nên người miền Trung hay chắt chiu, dành dụm . Như con kiến mùa hè chăm chỉ tha mồi, tích cóp cái ăn cho những ngày mùa đông giá rét , người dân quê tôi cũng vậy. Ngày tôi còn nhỏ, hễ vào mùa hè, cá nam được mùa( cá cơm, cá nục), bao giờ má tôi cũng muối hàng chục hũ mắm cá cơm và cá thính để dành cho mùa mưa. Gạo thì trữ sẵn trong lu. Vào mùa mưa , chỉ cần có cơm và mắm là yên tâm, không sợ đói.
Ngày bé, ở cái tuổi “ chỉ biết ăn thôi chả biết gì ” tôi thích mưa bão. Bởi mưa to gió lớn thì được nghỉ học ở nhà , rúc trong chăn đọc sách và ăn bắp rang, rồi bày ra đủ thứ trò nghịch ngợm . Vốn là đứa hiếu động, cứ hễ có bão là tôi tìm mọi cách lẻn ra khỏi nhà , sục sạo hái trộm ổi, mãng cầu, ô ma( trong Nam gọi là trái lêkima, miền Bắc gọi là quả trứng gà) . . của nhà hàng xóm ( gió bão ai cũng ở trong nhà đóng kín cửa, tôi mặc sức mà tung hoành) , may mà chưa bị ai phát giác. Còn nước lũ tràn về thì nghỉ học dài ngày, tha hồ ngủ nướng , ăn no rồi lội nước đi bắt cá, bắt dế . . .Tôi nhớ có lần, hồi đó tôi đang học lớp 4, con Út được mẹ mua cho một đôi dép nhựa màu hồng rất đẹp. Tại tôi giống con trai nên ba tôi toàn may áo quần và dép con trai cho tôi đi. Tôi rất thích đôi dép đó nên hay mượn con Út mang ké . Chân tôi to, chân con Út nhỏ nên tôi chỉ đi vừa hai phần bàn chân. Con Út tiếc đôi dép nhưng sợ chị ko cho chơi cùng nên đành phải cho mượn. Sau mấy ngày mưa to, nước sông Thu Bồn tràn về. Hai chị em được nghỉ học. Tôi rủ con Út ra bờ sông lội nước lụt. Chân tôi đi đôi dép nhựa của Út. Nước mé sông chảy xiết, thèm lội nước quá, tôi thò chân xuống chỗ nước vừa lấp ló mép đường, ko ngờ chiếc dép tụt khỏi chân tôi trôi theo dòng nước. Sợ bị ba đánh đòn, tôi nhảy ào xuống dòng nước đang chảy để chụp lại chiếc dép, nước tràn qua mặt tôi , cuốn tôi trôi cách bờ hơn hàng sải tay. Trời ạ, may quá lúc đó có một bác nông dân đi cất vó ,thấy vậy nhảy xuống kéo tôi vào bờ. Con Út trên bờ sợ chết điếng, khóc ko ra tiếng. Tôi thoát chết, áo quần ướt sũng, đôi dép trôi mất, sợ ko dám về nhà. Chiều tối mẹ tôi ra sông tìm hai chị em dắt về, lúc ấy mới phát hiện bị mất đôi dép nhưng ko hề biết tôi sém chết đuối( tôi dặn con Út ko được nói – và đến bây giờ chuyện đó vẫn được giữ kín, con Út ko dám nói với ai bao giờ) . Tôi bị ba tôi đánh một trận nhớ đời vì tội trốn nhà đi lội nước lụt để trôi mất dép của em. Tôi nghiến răng chịu đau mà ko khóc. Chỉ thương con Út mất đôi dép đẹp.
Tôi lớn lên và quen dần với những mùa mưa bão qua đời mình. Mỗi năm lại chồng chất thêm nỗi lo. Tôi đâm ghét mưa và sợ bão. Hồi Bầu còn đi nhà trẻ, nhà chỉ có hai mẹ con , mùa mưa đưa con đi học là một cực hình. Chạy xe mưa tạt trước tạt sau ướt cả mẹ lẫn con. Buổi chiều mới 5 g trời đã tối sầm. Xong tin bài ở cơ quan lại sấp ngửa trở về đón con. Có bữa mẹ đón trễ, Bầu ôm ba lô đứng chờ mà miệng mếu xệch. Đón được con về, nấu cho con ăn xong mẹ lại tất tả giặt áo quần, ủi cả giờ đồng hồ áo quần mới chịu khô để mai con có áo đi học. Nghĩ lại mà sợ. Hễ có bão thì còn sợ hơn.Làm phóng viên thời sự , mưa bão phải xông trận, mà con thì ko ai đón, gửi hàng xóm thì ko yên tâm, nghĩ lại thời ấy, tôi vẫn còn rùng mình.
Có ai đó nói rằng đặc sản của miền Trung là mưa bão và lũ dữ , đúng sai  thế nào thì tôi ko bàn. Nhưng chắc hẳn do quen đối mặt với mưa bão, lũ dữ nên dân miền Trung cứng cỏi và quen chịu đựng khó khăn, gian khổ. Hình như đây mới chính là đặc sản của miền Trung.
( Một entry cũ , mẹ Bầu Bí post lại trước khi cơn bão số 9 có tên gọi Ketsana chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung )

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Đuờng lên Trúc Lâm Bạch Mã

Từ trung tâm TP Huế xuôi về Nam trên QL 1A chừng 30 km đến xứ Truồi ( huyện Phú Lộc ) , ngựoc theo dòng sông Truồi về phía thuợng nguồn khoảng 10 km sẽ đến bến phà Truồi. Phóng tầm mắt qua bờ bên kia sẽ thấy thấp thoáng sau ngọn đồi là thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã . Đây là một địa chỉ mới của thiền phái Trúc Lâm tại Huế ngoài các thiền viện Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Lạt, Tây Thiên (Vĩnh Phúc) .Quần thể kiến trúc của thiền viện .đuợc xây dựng trên một khu đồi nguyên sinh bên kia bờ hồ Truồi dưới chân đỉnh Bạch Mã mờ suơng. Vốn mê các câu chuyện cổ tích từ bé , nên tôi ngỡ chừng đó là cung điện của bà Tây Vuơng Mẫu thoắt ẩn thoắt hiện trong những đám mây trắng bồng bềnh và tôi như Lưu – Nguyễn ngày xưa lạc lối vào thiên thai.
Qua hồ Truồi với sóng nuớc mênh mang , xanh biếc , vượt 172 bậc tam cấp , ta sẽ đến cổng tam quan của Trúc Lâm Bạch Mã. Tuy phải leo dốc cao nhưng những ngọn gió thổi rì rào qua cây lá và tiếng chim hót ríu ran trên ngọn cây như xua tan hết mệt nhọc. Đứng truớc cổng tam quan nhìn bao quát về phía xa xa với trời mây non nước, cảm giác như vừa đuợc rũ sạch mọi  lo toan phiền muộn và thấy những sân si của cuộc đời như trôi tuột vào cõi hư vô.
Anh6jpg.jpg Truc Lam. Anh 6 picture by mebaubi
Men theo con đừong đất ngựoc sông Truồi chừng 10km sẽ đến bến phà.
Anh1-1.jpg Truc Lam 1 picture by mebaubi
Toàn cảnh Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ phía bên này hồ Truồi.
Anh2.jpg Truc Lam 2 picture by mebaubi
Chuyến phà ngang hồ Truồi chỉ mất chừng 5 phút
Anh4.jpg Truc Lam 4 picture by mebaubi
Dọc đuờng lên 172 bậc tam cấp, phong cảnh đẹp như trong tranh
Anh3.jpg Truc Lam 3 picture by mebaubi
Màu đỏ của hoa trạng nguyên làm sáng bừng cả một góc rừng già
Anh5.jpg Truc Lam 5 picture by mebaubi
Vựot 172 bậc cấp đến truớc cổng tam quan, bỗng chốc mọi "hỉ, nộ ,ái, ố" như không còn tồn tại.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Lẩu cá kèo

Đất Sài Gòn gần như tập trung các món ngon của cả nước. Có thể tìm thấy bất kỳ món ăn nào của xứ Bắc với phở bò, phở gà, miến luơn, bún ốc, bún riêu, bánh cuốn. .. hay các món bánh bèo , nậm , lọc , cơm hến của xứ Huế rồi bún bò, mì Quảng, cao lầu Hội An hay nem Ninh Hòa, bánh căn, bánh khọt của Phan Thiết rồi đến các món nuớng, món lẩu của đồng bằng Nam Bộ. Ở Sài Gòn muốn ăn gì cũng có, cũng sẵn, nhưng với cái tật chỉ thích ăn rau, dưa của tôi thì chỉ có món lẩu cá kèo là đuợc tôi cho điểm cao. Có thể nói, món lẩu cá kèo là đặc sản của sông nước Nam Bộ. Nó tập hợp tất cả các vị mặn, ngọt, cay, chua kể cả đắng thành một vị ngon riêng- rất đặc biệt - mà hễ ăn một lần là tuơng tư . Tôi là một ví dụ rất sinh động. Cứ lần nào về SG họp, dù bận đến mấy  tôi cũng phải mò ra quán lẩu cá kèo ở Bà huyện Thanh Quan ( truớc đây quán này rất ngon, nhưng bây giờ thì kém hơn ) hoặc quán Rau Đắng ở đuờng Nguyễn thị Diệu. Ở đây có nguyên một con phố gồm nhiều quán lẩu cá kèo, nhưng chỉ có hai nơi này ngon hơn, và chỗ ngồi cũng rộng rãi, mát mẻ hơn.
Ăn lẩu cá kèo thích nhất là lúc trời hơi mưa mưa, lành lạnh. Nồi lẩu sôi trên bếp than hồng, trút đĩa cá còn đang quẫy vào, chỉ chừng năm phút sau là có thể gắp từng con ra đĩa  chấm vào chén nuớc mắm nguyên chất dầm ớt. Cá kèo ăn nguyên con mới ngon. Mật cá kèo hơi nhẫn nhẫn, đăng đắng tan ra trong đầu luỡi , thịt cá ngọt thanh quyện với vị mặn và cay xè của nước mắm dầm ớt- nuốt vào đến đâu biết đến đó. Lẩu cá kèo ngon một phần nhờ vào vị chua của lá giang. Lá giang cho vào nồi lẩu cá kèo ko chỉ làm mất mùi tanh của cá mà còn làm cho thịt cá săn lại và thơm hơn. Rau ăn lẩu cá kèo cũng khác với các món lẩu khác. Rau dút, rau đắng , bắp chuối xắt mỏng và cộng rau muống. Các loại rau này duờng như sinh ra để hòa hợp với món lẩu cá kèo. Bởi lẽ, chẳng ai ăn chung rau đắng, rau muống , rau dút và bắp chuối với các món khác cả, vì chúng rất lạc điệu. Nhưng đặt những loại rau này bên cạnh nồi lẩu cá kèo, thấy duờng như có một sự gắn kết rất lạ và hợp lý cả về màu sắc của các loại rau, của lá giang, của mớ cá kèo mà khi ăn món lẩu này tôi mới nhận ra điều đó.


Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Bến sông quê

Không như ở hai đầu đất nước có những dòng sông đỏ nặng phù sa, sông ở miền Trung thì ngược lại, nước trong xanh ngăn ngắt với hàng tre soi bóng ven bờ. Có lẽ con sông quê trong bài thơ " Nhớ con sông quê hương " của nhà thơ Tế Hanh không chỉ là sông Trà Bồng ( ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi , quê của nhà thơ ) mà là tất cả những dòng sông ở miền Trung đều xanh biếc với "nước gương trong soi tóc những hàng tre". Đi dọc miền Trung từ Quảng Bình, qua Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế , vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi. . . không thể đếm hết có bao nhiêu con sông quê. Chỉ biết rằng tất cả những dòng sông đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi đổ xuôi về biển, qua bao thác ghềnh, bờ bãi .. .
Có ai đi xa mà không nhớ quê, không nhớ những bến sông quê một thời thơ ấu. Cái bến sông thuở nhỏ tập bơi, tập lặn và theo lũ con trai lội qua cồn bẻ bắp trộm đem về bị ba bắt đánh đòn mà không dám khóc. Cái bến sông thuở mới lớn bồi hồi trong đêm trăng sáng với tiếng guitar bập bùng trong bản tình ca hát nửa chừng mà không có đoạn kết. Dù " sông sâu bên lở bên bồi. . ." nhưng bến sông quê ấy vẫn luôn níu hồn ai.
Song_2.jpg picture by mebaubi
Bến sông quê ngoại
Song_1.jpg picture by mebaubi
Một góc sông Cổ Cò đoạn xuôi về Cửa Đại - Hội An
song5jpg.jpg picture by mebaubi
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa
song4.jpg song 4 picture by mebaubi
Góc bình yên nơi dòng sông Hoài gặp biển
Song3.jpg picture by mebaubi
Sông Truồi ( Phú Lộc , Huế )

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Con gái mặc áo dài đi học

Em Bầu lần đầu tiên mặc áo dài trắng ( áo dài mẹ Kim chọn, giày cô Thảo tặng và túi đeo vai là của cô Mập gửi cho).
Hôm nay là buổi học đầu tiên của Bầu vào lớp 10. Cả mẹ và con đều nôn nao. Trưa mẹ về sớm, mâm cơm do Bầu nấu hôm nay ko ngon như mọi bữa. Sợ mẹ mắng, Bầu phân trần: Lỗi tại con . Tại chiều nay là lần đầu tiên con mặc áo dài đi học nên con nôn nao, mẹ chịu khó ăn đỡ nghe mẹ. Mẹ cũng như con, cũng nôn nao và vui, buồn lẫn lộn. Con gái mẹ lớn thật rồi. Con vừa bước qua tuổi 16 được 21 ngày, tuy đã cao 1,65 mét, nặng hơn 53kg nhưng trong mẹ con vẫn là con Bầu ngốc nghếch, vẫn hay giành ăn với em Bí và mỗi lần bị mẹ đánh đòn là nằm im không dám nói đau dù nước mắt rơi lã chã.
Nhìn dáng con tự tin trong chiếc áo dài trắng bước vào cổng trường, mẹ nghe như trong lòng mình có chút gì đó tự hào. Con lớn lên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thông minh, là chỗ dựa cho em Bí, chừng đó đủ cho mẹ thấy hài lòng với những gì mẹ đã làm cho hai đứa, dù mẹ đã chịu nhiều gian nan, vất vả, thậm chí buồn tủi và những điều đó ko dễ gì chia sẻ với ai.
 Dẫu phải lăn lưng ra cày để lo cho hai đứa , nhưng mẹ nhất quyết phải lo cho con và em Bí có một cuộc sống đàng hoàng, phải được học hành đến nơi đến chốn và phải được dạy dỗ những điều hay lẽ phải ở đời. Và vì thế mà mẹ rất lo lắng khi cuộc sống bây giờ có quá nhiều điều dễ tác động đến con. Lúc mẹ ở tuổi con bây giờ, mẹ đã phải bươn chải kiếm sống và tự nuôi mình ăn học. Cả ba năm học phổ thông trung học, mẹ chỉ có một bộ áo quần. Mẹ không dám chạy trong giờ học thể dục vì sợ rách mất bộ đồ đi học duy nhất ấy. Đến nỗi khi đi thi HS giỏi Văn lớp 12 toàn tỉnh, mẹ phải mượn chiếc quần tây của một đứa bạn  học khác lớp. Chiếc áo dài trắng mà con mặc bây giờ là niềm mơ ước của mẹ suốt cả một thời con gái. Mẹ thèm biết bao được khoác chiếc áo dài trắng lên người để đến trường nhưng thời ấy khó khăn, đến ăn còn chưa đủ, sách học phải mượn bạn để chép thì bộ áo dài trắng mãi mãi là ước mơ mà mẹ ko thể nào với tới được.
Và bây giờ, những gì mẹ ko thể có được trong thời thơ ấu mẹ dành hết cho con và em Bí. Mẹ hứa dù có khó khăn vất vả đến mấy mẹ cũng chịu được, sẽ ko than thở , ko kêu ca, chỉ mong con và em Bí học hành nên người. Mẹ ko đặt kỳ vọng ở con và em Bí điều gì, chỉ hy vọng là hai đứa hiểu, yêu thương và nghe lời mẹ. Điều làm mẹ lo lắng nhất là làm sao dạy hai đứa nên người. Để sau này khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn yên tâm là hai đứa con mình có thể sống tự lập, không phải dựa dẫm vào ai, biết yêu thương những người chung quanh, biết cách sống không phải luồn cúi, nhịn nhục.
Mẹ yêu cả hai đứa như nhau, nhưng Bầu lớn hơn nên mẹ quan tâm nhiều hơn. Cuộc sống có quá nhiều điều làm mẹ ko yên lòng. Hãy biết tự chủ và học hành chăm chỉ con nhé! Thiên hạ có thể ngắm và suýt soa trước một gương mặt đẹp, một bộ áo quần đúng mode, một chiếc điện thoại đời mới , một chiếc xe xịn.... nhưng những cái đó ko làm nên một con người đúng nghĩa con ạ. Mẹ tin rằng con gái của mẹ hiểu tất cả những gì mẹ nói.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009

Sa Pa

Cả nhà Bầu Bí vừa có một chuyến hành phương Bắc. Ra Hà Nội hôm trước, hôm sau cả nhà họ dây leo lên tàu đêm đi Lào Cai và sáng hôm sau đến Sapa. Lần này đi Sapa ko có bác Trinh đi cùng do kẹt máy bay ở SG, mẹ Kim phải làm Trưởng đoàn thay cho bác Trinh để cai quản một đám trẻ con gồm 6 đứa, đứa lớn nhất là chị Bầu. Các thành viên khác gồm bà ngoại Tĩnh 81 tuổi, dì Út thì ốm yếu, còn vợ chồng cô cháu họ lần đầu tiên đi chơi xa nên lơ ngơ như bò đội nón.
May mắn nhất là thời tiết Sapa khá đẹp nên mẹ Bầu Bí tuy vừa trông coi đoàn nhưng vẫn  chụp được khá nhiều ảnh. Sương mù ở Sapa đẹp ngất ngây luôn. Tuy không phải mùa xuân, nhưng các loại hoa vẫn nở khắp lối đi, thích nhất là các loài hoa dại màu tím mọc ở sườn đồi, trông rất giống hoa mua ở vùng núi đồi miền Trung. ( Mẹ Bầu Bí có hẳn một bộ sưu tập ảnh hoa rất hot nhưng sẽ khoe sau.)
Mẹ Bầu Bí vốn mê Đà Lạt, bây giờ lại mê thêm Sapa nữa rồi. Không khí ở Sapa thật tuyệt. Trời chỉ se se lạnh, đủ để buổi sáng khoác một chiếc áo mỏng, choàng lên vai một mảnh khăn voan là có thể ung dung đi ngắm núi đồi mờ ảo trong sương rồi. Buổi sáng sương mờ giăng kín đến tận 9 giờ sáng mới tan. Trưa nắng nhưng sương mù vẫn bảng lảng bên sườn núi. Buổi chiều chỉ mới 5giờ, mặt trời chưa gác núi , thị trấn Sapa đã mờ khuất trong màn sương. Nếu chịu khó canh, sẽ chụp được nhiều tấm ảnh đẹp như tranh vẽ. Tiếc là không có nhiều thời gian, và phải canh chừng lũ trẻ nên mẹ Bầu Bí không lang thang được nhiều. Nhất định sẽ đi Sapa lần nữa.
Post tạm mấy tấm hình này khoe tí.
DSC02140-1.jpg Đại gia đình picture by mebaubi
 Đoàn du lịch của họ nhà dây leo toàn trẻ con và người già, May mà đi đến nơi về đến chốn. Nghĩ mà thấy nể mình quá! Chỉ tiếc là ko có bác Trinh chụp ảnh cho, mẹ Bầu Bí là tay máy chính của cả đoàn nên ko có ai chụp ảnh cho mình . Hic hic!
Nhatho-1.jpg Ba mẹ con nhà dây leo picture by mebaubi
Nhà thờ đá Sapa - một trong những kiến trúc Pháp ít ỏi còn sót lại ở Sapa. Cả mẹ Kim, chị Bầu và em Bí đều làm người mẫu nên đành nhờ anh Thanh bấm máy giùm. Anh Thanh lại ko biết chụp ảnh nên cắt mất tháp chuông nhà thờ, tiếc quá đi mất.
Sapa9.jpg Sương sớm ở Sapa picture by mebaubi
Buổi sáng, màn sương trắng đục như sữa bao phủ khắp các cành cây ngọn cỏ, thị trấn Sapa đẹp như một nàng công chúa đài các đi ngủ sớm nhưng lại dậy rất muộn. Mẹ Bầu Bí chụp tấm ảnh này từ trên tầng 4 của khách sạn, mà canh mãi mới được vì sương mù làm cảnh vật thoắt ẩn thoắt hiện.
Sapa8.jpg Sapa chụp từ trên đỉnh Hàm Rồng picture by mebaubi
Mới hơn bốn giờ chiều, sương mù đã giăng kín thị trấn Sapa. Từ đỉnh núi Hàm Rồng có thể nhìn bao quát cả thị trấn xinh đẹp này trong màn sương huyền ảo. Tiếc là quy hoạch và kiến trúc của Sapa hiện nay lộn xộn quá. Giá mà các quan chức của Sapa có tầm nhìn về quy hoạch và biết cách khai thác thế mạnh du lịch của vùng đất này , Sapa chắc chắn sẽ là một hòn ngọc quý giá mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu nó.
Sapa7.jpg Chị Bầu và em Bí picture by mebaubi
Chị Bầu và em Bí ở sân mây trên đỉnh Hàm Rồng - nơi có thể ngắm toàn cảnh Sapa, tất nhiên là khi trời quang mây tạnh. Còn lúc mẹ Kim bấm máy tấm ảnh này thì sau lưng Bầu và Bí là sương mờ nên chỉ nhìn thấy thị trấn Sapa sau màn sương.
Sapa1.jpg Bản Cát Cát picture by mebaubi
Một góc bản Cát Cát- nơi sinh sống của người H' Mông- một trong năm dân tộc ít người sinh sống ở thị trấn Sapa.
Sapa3.jpg Suối Mơ picture by mebaubi
Có lẽ ngày xưa cụ Văn Cao đã đi qua con suối này và viết nhạc phẩm Suối mơ thì phải. Con suối đẹp đến nỗi, mình ước giá lúc ấy có một ai đó ngồi bên suối ôm guitar đệm cho mình hát " Suối mơ bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. . ."
Sapa5.jpg Mẹ con người bán hàng lưu niệm ở bản Cát Cát picture by mebaubi
Điều làm mình và có lẽ rất nhiều người đều khó chịu có lẽ là sự bu bám mời mua hàng lưu niệm khi đến bất cứ điểm tham quan nào ở Sapa của người dân địa phương .
Trẻ con ở Sapa nói tiếng Anh như gió và cũng rất biết cách làm dáng trước ống kính. Nhưng ai thích chụp ảnh nhớ cẩn thận ko thì bị bắt trả tiền làm mẫu đấy nhé!
Sapa11.jpg Bầu và Bí picture by mebaubi
Chị Bầu và em Bí chụp ở Cổng Trời- ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đây là con đèo được xem là cao nhất Việt Nam.
ThacBacpg.jpg Thác Bạc picture by mebaubi
Dường như tất cả các dòng suối, ngọn thác, dòng sông ở đất nước mình đều đẹp. Trong ảnh là Thác Bạc- một trong những địa danh nổi tiếng của Sapa.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

Mùa thu và Đoàn Chuẩn


Chỉ sáng tác hơn 10 bài, nhưng các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn đã đi vào nỗi nhớ của rất nhiều người yêu nhạc tiền chiến. Tôi là một trong số đó.  Tôi yêu mùa thu và cũng vì thế mà tôi yêu nhạc Đoàn Chuẩn, yêu cái hơi thu bàng bạc trong các tác phẩm của ông. Với Đoàn Chuẩn, mùa thu , tà áo xanh và tình yêu say đắm luôn hiện hữu trong các nhạc phẩm của ông . Có thể tìm thấy các sắc thái, cung bậc của mùa thu trong hầu hết các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn . “ Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. . . “, trong Tình nghệ sĩ “Như duyên em thầm kín – Trong hương thu màu tím buồn...”. ., với Cánh hoa duyên kiếp; hay  “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương...” trong Lá thư, “Với bao tà áo xanh đây mùa thu...”.trong  Gửi gió cho mây ngàn bay và “Thuyền ơi sao  mê say nhiều quá, đường mê không ai ngăn cản lối, một sớm thu về chuyển bến xuôi, về nơi đâu nữa trời bến nao. . .”, trong  Chuyển bến;   “Thu đi cho lá vàng bay...” trong Lá đổ muôn chiều đến  “ Mùa thu quyến rũ anh rồi . . .” trong Thu quyến rũ hay   Mưa dồn trôi nước lũ xuôi dòng thả hết bụi nhơ, xuôi dòng trầm câu hát tương tư, nhủ lòng thôi hết những mùa thu. . .”. trong Vĩnh biệt ( hay  Vàng phai mấy lá ). Thậm chí trong nhạc phẩm duy nhất viết về mùa xuân là bài “ Gửi người em gái ‘ lại cũng có bóng dáng của mùa thu ” Nhưng một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt, nàng đi gót hài xanh. . .”

Người nhạc sĩ đa tình và đa tài này dường như rất yêu màu áo xanh, và màu áo ấy xuất hiện rất nhiều lần trong các sáng tác của ông . “ Với bao tà áo xanh đây mùa thu “”( Gửi gió cho mây ngàn bay)  hay  “ Em còn nhớ anh nói rằng, bao giờ em đến với anh , xin đừng quên chiếc áo xanh” ( Tà áo xanh ) “ và “ màu áo xanh là màu anh trót yêu “ ( Thu quyến rũ ).
Hầu như nhạc sĩ nào cũng có những sáng tác về mùa thu . Bởi mùa thu là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn. . . Đặng Thế Phong có Giọt mưa thu; Phạm Đình Chương có Thu ca; Cung Tiến có Thu vàng; Minh Kỳ có Mấy độ thu về; Phạm Trọng Cầu có Mùa thu không trở lại , Trịnh Công Sơn có Nhìn những mùa thu đi và Hà Nội mùa thu v.v.. . hay Phú Quang sau này cũng có rất nhiều sáng tác rất hay về mùa thu . Nhưng chỉ có Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ viết  nhiều nhạc phẩm để đời về mùa thu. Hơn nửa thế kỷ qua, các bản tình ca về mùa thu của ông vẫn lay động và làm thổn thức bao trái tim. Để rồi “ Thu nay vì đâu nhớ nhiều , thu nay vì đâu tiếc nhiều , đêm đêm nhìn cây trút lá , lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về “. . .

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Hoa cỏ nhà mình

Sáng chủ nhật được rảnh, dọn dẹp nhà cửa, bếp núc xong thấy trời nắng đẹp quá, mình bèn lấy máy ảnh ra chụp hoa lá chung quanh mình. Vốn mê hoa cỏ nên khi làm được nhà, mình khuân tất tần tật các loại cây, loại hoa có thể trồng được vào mảnh sân con bé tí để tạo thành một góc xanh riêng. Nhờ dì Út siêng năng tưới tắm mà khoảnh sân con nhà mình lúc nào cũng mướt xanh và đầy hoa. Mời cả nhà cùng ngắm cho thư giãn đầu óc tí nhé! Chủ nhật mà. He he.
Hoanhaminh.jpg Hoa nha minh 1 picture by mebaubi
Đây là giàn hoa sứ quân tử trước cổng nhà mình. Hoa bắt đầu nở sau tết mãi đến cuối thu mới tàn. Hoa nở thành từng chùm có nhiều màu từ trắng đến đỏ sậm. Ban đêm tỏa hương ngào ngạt trong gió.
SuQuanTu.jpg Su quan tu picture by mebaubi
Lung linh chưa? Tự thấy mình dạo này chụp ảnh hoa lên tay quá.
Beo.jpg Beo picture by mebaubi
Một góc xanh của nhà mình.
Gianhoagiay.jpg Gian hoa giay picture by mebaubi
Còn đây là giàn hoa giấy bên góc trái nhà. Cứ mỗi mùa bão, dì Út sợ nên đốn trụi. Nhưng nhờ hoa giấy vốn là loại cây có sức chịu đựng tốt nên chỉ sau vài tháng là đâm cành nẩy lá um tùm và trổ hoa quanh năm.
Hoagiay.jpg Hoa giay picture by mebaubi
Hoa trên giàn ( ảnh trên ) và hoa vươn ra ngoài trời ( ảnh dưới )
Giay.jpg Giay picture by mebaubi
Còn đây là góc hoa trong nhà.
Cucvang.jpg Cuc vang picture by mebaubi
Biết mẹ Bầu Bí mê hoa và thích cắm hoa nên SN vừa rồi bác Trinh gửi cho mẹ BB mấy lọ đất nung đẹp ơi là đẹp. Lọ gốm mà cắm hoa cúc vàng thì rất hợp.  Cả nhà ngắm thử có ưng ý ko nhé!

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Đêm nghe Thái Thanh hát

Không biết các bạn có thích nghe Thái Thanh hát ko, chứ tôi thì tôi mê giọng hát của ca sĩ này từ hồi còn bé. Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ , cứ mỗi sáng chủ nhật từ 8 g sáng trên radio thường có chương trình ca nhạc theo yêu cầu. Cứ vào giờ đó, ba tôi có sai tôi đi đâu thì tôi cũng tìm cách thoái thác để quanh quẩn ở nhà nghe hết chương trình rồi mới chịu làm. Thông thường chương trình ca nhạc yêu cầu này rất hay có Thái Thanh, Thanh Thuý và Khánh Ly. Hồi đó các phương tiện nghe nhìn còn rất hiếm. Cả xóm tìm đỏ mắt mới có một cái máy hát quay đĩa. Sau lưng nhà tôi là nhà của bà chị họ. Chồng chị rất mê nhạc nên tậu một cái máy quay đĩa về nghe. Và trong chồng đĩa hát của nhà chị có một đĩa hát toàn những bài do Thái Thanh hát mà nếu nghe nó vào những đêm trăng sáng thì tôi dám đảm bảo rằng không ai mà không thao thức. Những ca khúc " Trăng sáng vườn chè", " Đố ai", " Nghìn trùng xa cách"," Ngày xưa Hoàng Thị", " Đôi mắt người Sơn Tây" , " Áo anh sứt chỉ đường tà" . . . tôi nghe đi nghe lại hàng chục lần mà vẫn thấy thích và từ ngày đó tôi đã thuộc nằm lòng những ca khúc này. Nghe Thái Thanh hát càng về khuya càng thấy hay. Giọng hát liêu trai ấy đã đi vào tiềm thức tôi và tôi mê Thái Thanh từ dạo đó.
Sau này, khi sang nước ngoài, giọng hát Thái Thanh không còn giữ được như trước. Tôi đã cất công tìm kiếm những đĩa nhạc thu âm trước năm 1975 nhưng không tìm thấy nữa. Bây giờ trong chồng đĩa nhạc của tôi có hàng chục đĩa CD, VCD do Thái Thanh hát nhưng không tài nào tìm những ca khúc mà ca sĩ này hát bằng chất giọng quyến rũ, ngọt ngào như ngày xưa nữa. Có ai biết ở đâu có bán những đĩa nhạc ngày xưa ấy mách giùm tôi với. Xin đa tạ. . .

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Sấu Hà Nội

Cô Mèo Béo từ Hà Nội vào miền Trung đã khệ nệ mang vào cho mẹ Bầu Bí một túi sấu xanh nặng những 2kg. Vui và xúc động quá. Cám ơn Mèo Béo và Hai Điều nhé! lần nào vào Đà Nẵng cũng mang vác quà cho mẹ BB lúc thì mấy mớ rau húng Láng ( Hai Điều biết mẹ BB nghiện món bún chả Hà Nội mà ), lúc thì mớ sấu xanh, ô mai sấu , rồi sấu dầm đường. . . thứ nào cũng ngon và cũng đậm tình nghĩa bạn bè. Bác Trinh cũng vậy. Hễ vào miền Trung hay có ai vào lại gói ghém các thứ vào cho em mình. Khi thì gói cốm xanh mướt , lúc túi đào phơn phớt non tơ; hay bó hoa loa kèn trắng tinh và thơm ngào ngạt . Mẹ BB cảm thấy mình thật hạnh phúc khi nhận những món quà đầy tình cảm ấy.Cám ơn nhiều thật nhiều những tình thân của tôi nhé!
Đang mùa hè, những quả sấu xanh thật đắc dụng. Từ ngày còn học ở Hà Nội, mẹ BB đã rất  khoái món nước sấu ngâm đường. Trưa nắng nóng, đi học về mệt, pha một cốc nước sấu dầm uống vào đến đâu biết đến đó. Nước sấu ngâm đường đã ngon, nước sấu dầm rau muống luộc cũng ngon ko kém. Nhất là buổi trưa, mâm cơm dọn ra , bát nước rau muống luộc dầm vài quả sấu đặt bên cạnh đĩa rau muống luộc xanh rờn, ăn kèm với cá nục kho khô và vài quả cà pháo muối giòn hoặc mắm dưa, chỉ nghĩ đến thôi là đã thấy muốn ngồi vào mâm rồi.
Quả sấu ko chua gắt như chanh. Cái chua của sấu hơi nghiêng về vị ngọt. Dường như tất cả những gì tinh túy của mùa hè Hà Nội ngấm hết vào quả sấu hay sao ấy mà với tôi, sấu hấp dẫn đến lạ. Tôi ko thích mùa hè Hà Nội . Cái nóng hầm hập ấy làm bức bối và tưởng như có thể cáu bất cứ lúc nào , nhưng mùa hè Hà Nội lại là mùa sấu- cái vị chua dịu dàng của sấu đã cân bằng lại những bực bội của mùa hè Hà Nội trong tôi. Dân miền Trung quen với chanh , khế nhiều hơn. Nhưng từ khi nếm vị chua của quả sấu, tôi đâm ra nghiện. Sấu nấu với thức gì cũng ngon. Mỗi lần nhận những túi sấu xanh từ Hà Nội gửi vào, tôi cũng dành một nửa đem gọt vỏ ngâm đường để pha nước uống , còn lại đem cất trong tủ lạnh ăn dần. Sấu xanh gọt vỏ nấu canh sườn non hoặc thịt nạc , hay riêu cá đều dễ đưa cơm. Sấu gọt vỏ sẵn để trên ngăn đá, mỗi lần nấu canh hay dầm nước luộc rau chỉ dám rón rén lấy chừng ba quả, lấy nhiều sợ hết, nhờ vậy mà nhà Bầu Bí hay có sấu để dành đến hết khoảng tháng chín, tháng mười. Có quả sấu, bát canh chua như ngon hơn, tô nước rau luộc cũng hấp dẫn hơn. Và mùa hè Hà Nội có lẽ vì thế mà đỡ ngột ngạt hơn chăng?

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Lý Sơn

Từ bến cảng Sa Kỳ, chỉ mất chừng 45 phút chòng chành trên tàu cao tốc, tôi đến đảo Lý Sơn - nơi cách đây gần 3000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn về lịch sử và nhân văn. Huyện Lý Sơn có ba xã: xã An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và xã An Bình (đảo Bé) . Giữa nghìn trùng sóng nước nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển .
Đảo Lý Sơn còn có tên gọi  là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền . Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất gọi là "Bát tổ".
Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2  với dân số chừng 2 vạn người nhưng có đến gần 100 di tích  với một quần thể các đền, chùa ,miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền , ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu ăn xổi nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại  như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa. . . Đình làng Lý Hải – một trong số rất ít các ngôi đình của vùng duyên hải miền Trung  được giữ  gìn nguyên vẹn đến bây giờ. Cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên Lý Sơn là vùng đất nằm chơi vơi giữa biển khơi này quanh năm đối chọi với sóng to gió lớn và muôn trùng bất trắc của biển khơi nhưng vẫn đầy kiêu hãnh vì đã ôm cả trên mình nó những dấu ấn văn hóa – lịch sử của hàng nghìn năm trước không phai mờ theo thời gian.
Điều dễ làm say lòng bất cứ ai đến Lý Sơn là màu trời, màu nước ở đây xanh ngắt. Tôi đã đến nhiều đảo to, đảo nhỏ ở khắp cả nước nhưng chưa có bầu trời ở đâu xanh như bầu trời Lý Sơn những ngày cuối tháng bảy này. Nước biển xanh biếc, ánh nắng trong suốt chảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời  trong veo đẹp đến ngỡ  ngàng. Và gió như bay từ muôn phía đến đây ngập hồn tôi. . . 
DaoLySon.jpg Dao Ly Son picture by mebaubi
Nhìn từ xa, Lý Sơn như một con rùa khổng lồ đang dạo chơi trên biển
NuiThoiLoi.jpg Nui Thoi Loi picture by mebaubi
Núi Thới Lới trên đảo Lớn. Một trong những ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Dưới chân núi có hàng nghìn ngôi mộ chiêu hồn- những người lính đi Hoàng Sa- Trường Sa hi sinh ngoài biển khơi không trở về, ngư dân nơi đây nặn hình đất sét làm hình nhân thế mạng, chôn dưới ngôi mộ gió cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán.
DinhlangLySonpg.jpg Đình làng An Hải picture by mebaubi
Đình làng An Hải- một trong những ngôi đình làng của miền Trung gần còn nguyên vẹn trải qua bao biến thiên của thời cuộc.
ChuaHang.jpg Đường vào chùa Hang picture by mebaubi
Đường vào chùa Hang  ChuaHang1.jpg Chùa Hang picture by mebaubi
Chùa nằm dưới một phiến đá rộng sâu dưới mặt đất nên có tên là chùa Hang. Trong chùa lúc nào cũng mát rượi và phảng phất hương trầm. Vào đây tự dưng lại muốn đi tu quá.
LySon4.jpg Lý Sơn 3 picture by mebaubi
Lý Sơn còn được mệnh danh là vương quốc tỏi.Tỏi ở Lý Sơn trồng trên cát trắng. Nền cát trắng trên bầu trời xanh, đẹp ko thể tả nổi.
LySon8.jpg Lý Sơn 5 picture by mebaubi
Mẹ Bầu Bí giữa nắng, gió và bầu trời xanh ngắt trên đảo Lý Sơn
LySon2jpg.jpg Lý Sơn 2 picture by mebaubi
Mùa hè cá cơm rộ ở Lý Sơn. Cá cơm tươi đem hấp cuốn bánh tráng và rau muống đảm bảo ngon ko kém món sơn hào hải vị nào.
Ocbantay.jpg Ốc bàn tay picture by mebaubi
Lý Sơn có rất nhiều hải sản. Tôm, cua, cá , mực. . .bình thường lúc nào cũng tươi rói như mới vớt từ biển lên. Còn món ốc bàn tay này thì hơi bị hiếm ở đất liền nhưng ở Lý Sơn thì bán đầy ngoài chợ. Đây là món ốc hấp gừng chấm với muối tiêu.Nhìn đã thấy ngon mắt rồi.