Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Nhớ rét Hà Nội

Mấy hôm nay Đà Nẵng lạnh kinh khủng, đêm rúc trong chăn mà vẫn thấy lạnh, lại nhớ và  lại  nhớ đến mấy năm học ĐH ở Hà Nội. Mẹ Bầu Bí post lại một entry cũ cho nhà cửa đỡ quạnh quẽ.
Nhớ đến cái rét như cắt da ở Hà Nội trong những ngày sau Tết những năm ấy mà còn thấy tái tê cả người. Rét gì mà rét thế không biết. Phòng mình ở có bốn đứa con gái. Toàn dân phía Nam. Không quen chịu lạnh. Nhớ năm đầu tiên nhập học, đúng ngay sau Tết. Vừa xuống sân ga Hàng Cỏ đã thấy rét đến mức muốn quay trở về. Mỗi đứa chỉ mang theo mấy cái áo len mỏng. Để bớt rét, đứa nào cũng mặc chồng cả 4- 5 áo, nhìn thấy ai cũng mập thù lù mà lạnh vẫn hoàn lạnh. Ban đêm còn hãi hơn. Rét như thấm tận vào trong xương. Cái giường cá nhân chỉ rộng chưa đầy 8 tấc, vậy mà hai đứa con gái chui vào nằm chung vẫn thấy rộng. Sáng dậy thò tay vào bể nước, cả bàn tay như đông cứng lại. Nước đun mãi mà chẳng chịu sôi cho. Lạnh quá ko lên lớp nổi, mấy bạn ở Hà Nội phải chi viện áo rét cho. Áo đơn, áo kép các kiểu lên lớp, trông đứa nào cũng như gấu bông. Bọn con gái dù sao cũng còn chịu được. Mấy tên con trai trong Nam không chịu được lạnh, ôm cả cái chăn bông to sụ lên lớp. Thầy giáo thương học trò nên cũng thông cảm. Nhưng nhìn lớp học thì buồn cười không nhịn được. Trông cứ như là mấy cục bông di động.
Những năm đó ai cũng nghèo. Đi học xa nhà thiếu thốn đủ thứ. Cơm tập thể vừa dở lại ít. Canh thì lõng bõng nước. Trời lạnh, tối nào học khuya cả mấy đứa đều đói xót cả ruột. Thèm đủ thứ. Mình nhớ hồi đó đâu có gì để ăn khuya. Cả bốn đứa góp tiền lại mua được mấy gói kẹo trứng chim( đậu phộng bọc bột và đường). Huỳnh Mỹ ( bây giờ làm ở phòng chuyên đề DVTV) ước: Giá mà có một thúng kẹo trứng chim tao ăn cũng hết. Cả bốn đứa xúm lại ước đủ thứ, mà ước toàn thứ ăn được và còn giành nhau: cái đó của tao, tao ước nên tao phải ăn nhiều hơn tụi bây . Bây giờ nghĩ lại những điều ước hồi ấy lại thấy vui. Đúng là hồn nhiên.
Nhớ lại những năm rét mướt ấy mà sợ thật. Không chỉ rét mà còn mưa phùn. Cái mưa rả rích ấy làm đất cứ nhão cả ra. Trời nồm, nước rỉ ẩm cả nền nhà. Trong nhà thì nhớp nháp mà ra đường thì trơn trượt. Hầu như ngày nào cũng có đứa bị trượt té lấm hết áo quần. Mình nhớ cái lần tan học môn Triết của thầy Bằng Tường vào trưa thứ bảy . Chị Thục Trinh dặn học xong thu xếp nhanh để chị ấy đưa về nhà. Tan học mình vội vàng chạy ngay về phòng, lúc đi ngang dãy nhà của nam, không hiểu vô ý thế nào, đôi săng đan lại trở chứng làm mình té oạch một phát vào gốc cây xà cừ. Ngã đau thì không nói, mà quê ơi là quê vì mấy anh con trai khoa Xuất bản cứ chờ giờ tan học là ra đứng ngoài cửa đứng nhìn. Lúc mình ngã, mình nghe tiếng cười rộ lên ngay trước mặt, nghĩ bụng phải làm mặt nghiêm cho đỡ quê, vì quần áo lấm lem đất bùn. Mình bèn ngồi lên , từ tốn lượm sách vở và đọc to hai câu: “Một lần ngã là một lần bớt dại; Ai không khôn mà chẳng dại đôi lần”, vậy là đứng dậy đi như chẳng có chuyện gì xảy ra, mặc dù cái đầu gối đau ghê gớm. Đi xa rồi còn nghe tiếng xì xào: Con gái lớp báo 7 miệng mồm lắm, đừng có đụng vào. Hehe.
Lại nhớ những chiều rét mà đạp xe từ trường mình vào đến phố Nhà Chung để học Anh văn. Đi và về hết 16 cây số. Trời thì rét căm căm. Cứ 5 giờ chiều là cặm cụi đi học. Đạp xe gió lùa vào trong tóc, buốt hết cả tai. Sao lúc ấy mình siêng thế không biết. 8 g tối tan học, lại lóc cóc đạp xe về trường. Rủ mấy đứa đi học chung , tụi nó lười không đi, vậy là thân cò lặn lội một mình. Nhớ cái tết năm 1991, cả trường về tết hết từ 20 tháng chạp nhưng mình phải thi lấy bằng C nên ở lại về sau một tuần. Trường vắng tanh vắng ngắt, đã lạnh lại càng lạnh hơn.26 tết thi xong , chị Trinh đưa ra ga về ĐN, cả khoang tàu chỉ lèo tèo mấy người. Mà sao hồi ấy mình ngu thế nhỉ. Sao không ở lại HN ăn tết một lần cho biết, mặc dù chị Trinh và bà ngoại năn nỉ gãy cả lưỡi. Cuối cùng bốn năm học ở HN, chưa biết hương vị tết ở HN như thế nào, nghĩ lại mà tiếc ngẩn ngơ.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Mùi khói rơm


Không biết tự bao giờ, mùi khói rơm đã trở thành thân thuộc với tôi. Sinh ra , lớn lên ở Hội An, nhà không có một tấc ruộng nhưng tôi lại nghiện mùi khói rơm. Hồi còn bé, mỗi lần mẹ cho về quê ngoại ở làng Thanh Chiêm (huyện Điện Bàn) tôi lại sà vào bếp giành phần đun bếp bằng rơm. Nấu cơm bằng lửa rơm không dễ bởi rơm nhanh cháy mà cũng nhanh tàn. Nếu không nhanh tay cho rơm vào bếp, giữ cho ngọn lửa cháy đều và gạt tro tàn sang hai bên thì cơm rất dễ bị sống hoặc cháy. Chưa quen cách dùng que cời để gạt tro rơm và gùi một nùi rơm dưới ông Táo khi cơm cạn nên cơm tôi nấu lúc sống, lúc khê. Mặc dù bị mẹ tôi cốc vào đầu đau điếng và mắng " con gái mà nấu nồi cơm cũng không xong", ( làm sao mà bì với mẹ được, mẹ lớn lên từ gốc rạ, còn tôi dân phố mà), nhưng có hề gì. Tôi ăn cơm khê với rau dền luộc và mắm cái vẫn thấy ngon như thường vì trong cơm có mùi khói rơm.
Nhà ngoại tôi có nhiều ruộng. Sau mỗi mùa gặt, cậu tôi thuê người gánh rơm về chất đầy hai cây rơm sau nhà để dành đun bếp.Cây rơm trở thành biểu tượng quen thuộc của quê ngoại. Bao giờ cũng vậy, cứ sau mỗi vụ lúa, ở quê ngoại tôi hầu như nhà nào cũng cúng cơm mới để tạ ơn đất đai. Mỗi lần nhà ngoại cúng cơm mới, tôi nằng nặc xin mẹ cho đi theo. Chỉ mới về đến đầu làng, nhìn mấy chỏm cây rơm lấp ló trên mái ngói nhà ngoại, tôi đã thấy nôn nao cả người khi nghĩ đến nồi cơm gạo mới ăn với mắm cái dầm đu đủ xanh- món ăn dân dã mà chỉ quê ngoại tôi mới có.
Lớn lên, ra Đà Nẵng làm việc, nhưng hễ cứ chiều chiều, tôi lại đạp xe gần ba mươi cây số về Hội An. Bạn bè hỏi " răng mi về Hội An hoài rứa", tôi chỉ cười, không lẽ nói là " ta về Hội An chỉ để đi ngang qua Điện Nam, Điện Ngọc hít mùi khói rơm" , nghe có vẻ nhà quê quá, mặc dù đúng là như vậy. Chỉ cần đi ngang qua những mái nhà tranh lúp xúp ven đường, nhìn thấy những làn khói lam trên chái bếp toả mùi thơm nồng quen thuộc là tôi thấy mình như được trở về nhà ngoại.
Có những buổi chiều, sau mùa gặt, cánh đồng chạy dọc theo đường về Hội An từ chân núi Non Nước về đến Điện Ngọc mù mịt khói đốt đồng. Tôi như người say, cứ nấn ná hoài bên đường không chịu về chỉ để ngửi mùi khói.Cái mùi khói rơm đốt đồng lẫn trong mùi đất, mùa gốc rạ như có một hương thơm huyền hoặc cuốn lấy tôi. Có bữa tối mịt tôi mới về đến nhà, sáng mai lại gò lưng đạp xe ra cơ quan. Mùi thơm của khói rơm quyện vào trong tóc như còn vương lại suốt những ngày sau đó.
Bây giờ, mỗi lần chạy xe về Hội An, ngang qua cánh đồng ngày trước giờ đã được san ủi để làm khu đô thị mới Phú Mỹ An, tôi thấy hụt hẫng và cảm giác như mình vừa đánh mất một vật gì quen thuộc. Những làn khói màu lam chiều cũng không còn vấn vít trên những mái nhà lợp tranh xưa nay đã thay bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà ống lợp tôn màu. Cậu tôi mất.Nhà ngoại tôi bây giờ quạnh quẽ hơn. Ngôi nhà năm gian hai chái ngày xưa to nhất làng bây giờ chỉ để làm nhà thờ .Căn bếp hẹp đã có một cái bếp ga sáng loáng thay cho ba ông đầu rau lúc tôi còn bé. Chỗ hai cây rơm vẫn đứng sau nhà ngoại ngày trước bây giờ là căn nhà ống mới xây của một người cháu họ. Trong làng chẳng còn ai đun bếp bằng rơm.Những khu dân cư mới đã thế chỗ cho cánh đồng lúa mà ngày xưa tôi thường hay tha thẩn bắt cào cào chờ mẹ đi gặt về. Và những đám cúng cơm mới cứ mỗi năm một thưa dần.Tôi thấy mình không còn háo hức mỗi lần về lại quê ngoại.
Chiều cuối tuần đi công tác từ Quảng Nam về, lúc xe chạy ngang những cánh đồng đang mùa gặt dọc QL 1 A, nhìn những làn khói rơm đốt đồng tản mác trong gió , tôi như thấy mắt mình cay cay.
 ( Định viết một cái gì đó cho mới mẻ một tí , nhưng lu bu quá đành post lại một entry cũ - cả nhà đọc tạm vậy, ko post cái gì lên thì lại thấy thiếu thiếu)

 

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Dã quỳ


Từ hồi còn học phổ thông trung học, có một lần tôi đọc được một truyện ngắn “ Mùa hoa dã quỳ “ của một nhà văn nào đó rất quen trên Văn nghệ quân đội ( hình như là của Khuất Quang Thuỵ ) kể lại một câu chuyện tình rất đẹp nhưng buồn của một đôi trai gái ở xứ sở sương mù. Ấn tượng đọng lại trong tôi là những đồi hoa dã quỳ vàng rực trong cái nắng hanh hao của mùa khô trên cao nguyên. Cái màu vàng quyến rũ của hoa dã quỳ trong câu chuyện ấy đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm tháng sau đó. Và tôi hứa với lòng mình , sẽ phải đến Đà Lạt để tìm những đồi hoa dã quỳ có màu vàng huyền hoặc ấy . Người ta thường nói, ai yêu hoa dã quỳ thì thường dang dở , ko biết điều đó có đúng ko, nhưng trong tôi, hoa quỳ là một nỗi nhớ - dù chưa hạnh ngộ.
Mãi đến hơn hai mươi năm sau, tôi mới thực hiện được mơ ước của mình. Mặc dù đã hai lần đến Đà Lạt, cả Bầu Bí cùng đi, nhưng vì vào dịp hè cho hai đứa được đi chơi cùng mẹ ( mà hoa quỳ chỉ nở vào cuối năm ) nên cái ước mơ được thả mình trên những đồi hoa vàng ấy trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Vậy là cuối tháng 11 năm ngoái, đúng vào mùa khô , tôi lại tìm cách đi Đà Lạt – bay vào Sài Gòn và đi xe đò lên Đà Lạt - mất gần một ngày đường và đi toi nửa tháng lương chỉ để được ngắm hoa quỳ. Gần hai ngày trời lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Đà Lạt , tôi vẫn không tìm thấy những đồi hoa dã quỳ vàng rực như tôi đã từng mơ ước được ngắm nhìn khi đọc truyện ngắn”Mùa hoa dã quỳ”. Hoa quỳ vẫn nở nhưng chỉ lác đác trên hàng rào ở vài xóm dân cư ngoại ô. Thấy hụt hẫng và tiếc ngẩn ngơ. Đâu rồi những đồi hoa dã quỳ vàng trên những con dốc mờ sương? Đà Lạt sẽ đẹp hơn, quyến rũ và huyền ảo hơn nếu biết giữ lại không chỉ những ngôi biệt thự cổ, những đồi thông mà còn là những đồi hoa dã quỳ.
Có mấy ảnh về hoa quỳ chụp ở Myanmar rất đẹp, nhưng ko hiểu sao tìm mãi ko ra. Post đại cái ảnh chụp ở Đà Lạt năm ngoái lên để bà con ngắm dù chỉ lác đác mấy bông gọi là.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Mùa cá nục


Cả tuần nay trời nắng gắt. Cái nắng của mùa hè như chói chang hơn với tiếng ve râm ran trên những cành phượng nở hoa đỏ ối, trên những tán bằng lăng với một màu hoa tím mênh mang dọc trên con đường tôi vẫn đi về ngày hai buổi.
Mùa hè đến, cũng là thời điểm vụ cá nam đang rộ. Trời nắng, đêm nhiều sao lại không trăng nên mấy hôm nay, dân làm ghe mành trúng cá nục nhiều. Buối sáng sớm, những chiếc ghe mành thường cập bờ với những rổ cá nục chuối tròn lẳn, tươi xanh. Cá nục là cá nổi , không có giá trị xuất khẩu, giá bán không cao nên các bà đi chợ vẫn hay gọi cá nục là cá nhà nghèo. Mỗi kí lô cá nục giá chỉ bằng 1/3 thậm chí ¼ các loại cá khác. Ở nhiều vùng quê biển như cù lao Chàm, cá nục không bán ký mà bán theo đơn vị mớ hoặc rổ. Sáng sớm ra bãi Làng chờ ghe biển về. Mua một rổ cá nục tươi ngon chỉ chừng mươi, mười lăm ngàn. Cả nhà ăn cả ngày kể cả nấu canh, kho mặn vẫn không hết.
Gọi cá nục là cá nhà nghèo bởi lẽ nó gần như thích nghi được với tất cả các loại gia vị và các thức nấu. Hình như ko có loại cá nào có thể nấu được với nhiều thứ như cá nục . Từ canh chua cá nục, đến canh cá nục nấu với dưa hồng, khổ qua, khế, thơm cà rồi tất tần tật các loại rau có tên và không tên trong vườn nhà. Cách nấu canh cá nục khá đơn giản. Bạn chỉ cần ngắt bỏ mang làm sạch ruột cá rửa sơ qua rồi ướp mắm muối gia vị. Bắc nồi nước sôi lên bếp. Nước vừa sôi cho cá vào , chờ sôi lại nêm nếm vừa ăn thì cho dưa hồng hoặc khổ qua , thơm, cà, khế hoặc rau gì đó bạn thích . Sôi lại lần nữa bắc xuống. Nếu nấu với dưa hồng, khổ qua, thơm cà. . . thì cho thêm vào vài cọng lá hành hoặc rau quế cho thơm. Canh cá nục phải ăn nóng mới ngon. Con cá nục vừa chín tới, gắp ra trên đĩa, chấm với tí nước mắm ngon dầm ớt xanh, tôi cam đoan dù ai khó tính đến mấy cũng khó mà lắc đầu trước nồi canh cá nục thơm ngào ngạt . Cá nục nấu canh là món ăn khá phổ biến vào những ngày hè nóng nực của người dân miền biển ở xứ tôi. Cá nục nấu canh nước rất ngọt. Cái ngọt lừ của cá tươi mang đậm vị mặn của biển không lẫn vào đâu được.
Cá nục nấu canh ngon. Song nếu đem kho mặn thì vị ngon của loại cá nhà nghèo này như được nhân lên gấp nhiều lần. Muốn kho cá nục ngon, khi ướp gia vị nhớ bẻ thêm một vài trái ớt tươi cho vào . Nồi cá nục chín tới khô cong, nước cá màu nâu cánh gián đặc quánh xâm xấp dưới đáy nồi . Mấy lát ớt chín nẫu nằm trên lườn cá mỡ màng nhìn đã thấy muốn ngồi vào mâm ngay. Trời nắng nóng, món cá nục kho khô ăn kèm với rau muống luộc thêm bát nước rau xanh ngắt vắt tí chanh rất dễ đưa cơm. Cá nục kho khô có thể ăn được nhiều bữa mà không hề thấy ngán. Dĩ nhiên là chỉ với khẩu vị của những người vốn quen kham khổ. Chứ tôi không dám đem món ăn dân dã này giới thiệu với những ai quen với sơn hào hải vị.
Cá nục nấu canh ngon, kho lại càng ngon. Song nếu ai chưa một lần ăn cá nục hấp cuốn bánh tráng và rau muống thì xem như chưa hề biết đến vị ngon rất khó quên của loại cá này. Cá nục làm sạch cho vào tô hoặc đĩa sâu lòng ướp mắm muối , gia vị, nhớ cho thêm vào tí nước tương , tí giấm( giấm sẽ làm cho xương cá mềm và thơm hơn),để chừng 15 phút cho thấm rồi đem hấp ( chưng cách thủy ) . Hấp chừng 5-7 phút là vừa. Rau muống chọn loại rau muống cạn, thân mảnh. Nhặt gốc già , để đoạn dài và rửa sạch theo lớp cho vào đĩa. Nước chấm là nước mắm nguyên chất dầm ớt xanh. Khi ăn mỗi người tùy theo khẩu vị của mình chế thêm nước cá hấp vào cho vừa miệng. Bánh tráng chọn loại bánh tráng gạo , để sống hoặc nướng tùy thích. Nhưng theo tôi, ngon nhất vẫn là bánh tráng sắn. Cầm miếng bánh tráng đã nhúng nước cho dèo, cho vào nửa con cá , một ít cộng rau muống, cuốn lại cho gọn rồi chấm vào chén nước mắm pha chút nước cá hấp và dầm ớt xanh. Chỉ cắn một miếng thôi, vị ngọt của cá như kết hợp với cái giòn của cộng rau muống, vị mặn mòi của nước mắm pha vừa miệng, vị cay nồng của ớt xanh như quyện vào nhau làm nước miếng như ứa ra đầy chân răng.Và cứ thế tiếp tục, miếng thứ hai, thứ ba và không thể dừng nếu bụng vẫn còn chỗ chứa. Ai muốn một lần được thưởng thức món bánh tráng cuốn cá nục, mùa hè này hãy chịu khó về miền Trung. Dân miền Trung tuy nghèo, nhưng vẫn thừa sức đãi các bạn món cá nục cuốn bánh tráng - ăn một lần và nhớ mãi.

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Mì Quảng

            Cuối tuần rồi, mời cả nhà ăn mì Quảng nhé!

Đối với nhiều người Quảng Nam xa quê, món mì Quảng dường như có một hấp lực rất lớn. Nhiều người anh, người bạn tôi từ Sài Gòn trở về, vừa bước xuống sân bay, câu đầu tiên sau cái bắt tay vồn vã là” kiếm quán mô làm tô mì Quảng hè, thèm quá”. Mì Quảng là cách gọi tên món mì riêng có ở đất Quảng của những người con Quảng Nam xa quê, riết rồi thành tên gọi chung và hễ ở đâu có dân Quảng ở đó có mì Quảng. Và lạ một điều, món mì Quảng dân dã ấy không chỉ là nỗi nhớ của dân Quảng xa quê mà nó còn gắn bó với những ai ko có gốc gác hoặc dây mơ rễ má với dân Quảng Nam nhưng hễ đã một lần được nếm món mì Quảng chính hiệu thì đâm nghiện . Ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở cơ quan tôi ( báo Tuổi Trẻ ở 60A Hoàng Văn Thụ ) có hơn 300 người thì dễ có đến ngần ấy người nghiện món mì Quảng.
Nhớ lần tôi được điều động về tòa soạn trong 6 tháng đầu năm 2006. Đúng vào dịp 8.3, cơ quan tổ chức thi nấu ăn. Tôi được cử thay mặt Ban Phóng sự - Ký sự và Ban Thanh niên đảm nhiệm vai trò đầu bếp. Kinh phí cấp cho mỗi thí sinh có 50 nghìn đồng nhưng phải nấu một bữa ăn cho 5 người. Không biết các phòng ban khác tính toán thế nào, và chọn món gì để nấu , nhưng tôi quyết định chọn món mì Quảng cá lóc để dự thi. Đi chợ bà Hoa( Tân Bình). mua một con cá lóc 700gr hết 25 nghìn đồng , còn 25 nghìn tôi mua mì, rau sống ,dầu ăn, nước mắm và gia vị. Lúc bắt tay vào nấu và khi bày biện ra mâm ,ai đi ngang qua cũng hít hà. Để thuyết phục Ban giám khảo , tôi chuẩn bị sẵn một bài discour khá hoành tráng. Dĩ nhiên là tôi nói rằng món mì Quảng của tôi là “ hương đồng gió nội”, ở quê tôi muốn ăn mì Quảng chỉ cần đem gạo ra ngâm, xay mịn, cho vào lò tráng mì và đem ra xắt là có sợi mì; cá , tôm bắt dưới ao, rau thơm, bắp chuối hái trong vườn nhà, dầu phụng do nhà ép... món ăn dân dã này hình thành gắn bó với người dân Quảng Nam từ khi Chúa Nguyễn vào Đàng Trong cho đến tận bây giờ.v v và v.v.. .
Trong số hơn 10 món ăn dự thi trong ngày hôm đó, món mì Quảng cá lóc của tôi được xếp vị thứ cao nhất và được BGK có đến 2/3 là dân Quảng Nam nhất trí trao giải. Anh Lưu Đình Triều- Chủ tịch Công đoàn ( gốc Quảng Nam) nói nhỏ vào tai tôi, em nhớ để phần anh một tô . Hỡi ôi, BGK vừa đi qua, quân tướng đã xúm vào chén sạch. Lúc anh Triều quay lại ,một sợi mì cũng ko còn. Nhìn vẻ mặt thiểu não của anh, tôi ko nhịn được cười. Vì vậy mà trước khi về lại Đà Nẵng, tôi quyết định làm một bữa mì Quảng đãi cả cơ quan.
 Sáng hôm đó tôi đi chợ bà Hoa, khuân một mình 20 kg mì , 15kg cá lóc, một bao tải rau sống và các loại gia vị khệ nệ vác về . Ai trông thấy cũng ngạc nhiên, ko hiểu tại sao tôi mua nhiều đến thế. Chị bán mì ở chợ bà Hoa ái ngại hỏi tôi, em ơi em mới mở quán mà mua nhiều quá làm sao bán hết . Tôi chỉ cười ko nói. Ai lại nói tôi nấu mì Quảng cho 300 người ăn bao giờ. Hì hụi từ trưa đến 3 giờ chiều với sự phụ giúp của các chị ở canteen, món mì của tôi hoàn thành. Gọi điện lên các phòng ban,ai nấy hối hả chạy xuống. Tôi bỏ mì chan nước nhưn liên tục, rã cả tay mà vẫn ko kịp. Có nhiều người năn nỉ xin thêm tô thứ 2 . Chỉ hơn 30 phút 20 kg mì của tôi hết sạch mà người ăn vẫn ùn ùn kéo xuống. Nồi nước nhưn còn một ít, tôi cho thêm nước sôi vào nấu và nêm thêm gia vị , huy động người chạy lên chợ bà Hoa mua thêm 5kg mì, vậy mà cũng ko đủ. Nhiều anh chị đến muộn, hết sạch cả mì lẫn nước nhưn, mặt mày buồn xo.
Từ đó mỗi lần ra Đà Nẵng,các đồng nghiệp, anh chị em ở cơ quan tôi cứ nằng nặc đòi về nhà ăn mì Quảng. Vậy là tôi nổi tiếng với thương hiệu mì bà Kim. Bọn nhóc nói vui, chị Kim đừng làm báo nữa, vô SG mở quán mì đi, bảo đảm giàu liền vì tụi em tới ăn suốt ngày, ko những ăn mà còn giới thiệu cho nhiều người khác cùng ăn.
Thật ra, mì Quảng là món dễ nấu nhất trong số các món ăn mà tôi được biết. Cách nấu như nhau, chỉ cần biết cách nêm nếm gia vị cho vừa miệng là được. Mì Quảng có thể nấu với nhiều loại thực phẩm: thịt heo, bò, gà,vịt, cá ,tôm,cua. . . và rau sống để ăn mì Quảng cũng không kén chọn: chỉ cần một ít rau húng, rau quế trắng, cải con và không thể thiếu bắp chuối xắt mỏng. Cách chế biến nước nhưn đơn giản. Cá, tôm hay thịt xắt vừa ăn, đem ướp mắm muối gia vị chừng 15 phút cho ngấm. Sau đó cho vào chảo dầu nóng đảo đều , rim một chút trên lửa cho thấm sau đó cho nước vào, tùy theo ăn ít hay nhiều nước mà gia giảm cho hợp lý. Thông thường mì Quảng ko ăn nhiều nước , chỉ chan nước nhưn vừa thấm sợi mì là vừa. Nhưng người Quảng xa quê do quen với kiểu ăn hủ tiếu, bún riêu và phở nên khi ăn mì Quảng thường xin thêm chén nước nhưn. Quan trọng để tô mì ngon là phải có chén dầu phụng ( dầu ăn ép từ đậu phộng ) khử với củ nén. Lá mì trước khi xắt phải được tráng sơ qua lớp dầu và khi ăn mì, những người thích ăn béo thường chan thêm một muổng dầu đã khử chín. Một tô mì Quảng đầy đủ phải kèm theo cái bánh tráng nướng , khi ăn bẻ bánh tráng vào trộn đều với rau, nước nhưn, rưới lên trên một ít hành lá, chút giấm, nhúm đậu phụng rang giòn . Cách ăn mì Quảng không nhỏ nhẻ như ăn các món khác. Lùa một đũa mì cắn kèm một miếng ớt xanh, nhai ngấu nghiến và khoan khoái nuốt, nghe như mọi giác quan trong người căng ra để cảm nhận vị ngon riêng ko thể lẫn vào đâu được của món ăn dân dã này.
P/S: Mẹ Bầu Bí ko định viết về món này vì sách vở từ trước đến nay đã viết rất nhiều. Nhà thơ Tường Linh ( quê gốc Quế Sơn ) đã viết một bài về Mì Quảng trên giai phẩm Xuân 1973, mẹ Bầu Bí đọc từ ngày còn bé tí mà nhớ mãi đến bây giờ. Sau ông còn có hàng trăm bài viết về mì Quảng và mỗi người một vẻ - “ mười phân vẹn chỉ” - bài nào cũng rất hay.
Song có một người – đó là em Thể Khanh ( trước đây làm ở báo TT) hiện đang du học ở Úc, cứ than là ở bên này em thèm và nhớ mì Quảng chị Kim nấu. Mẹ Bầu Bì cầm lòng ko đậu nên tối nay ngồi viết entry này tặng cho Thể Khanh và tặng cho những người bạn ở xa. Ai chưa ăn mì Quảng thì đọc qua để cảm nhận. Và nếu có dịp về Đà Nẵng, mẹ Bầu Bí hứa là sẽ nấu mì để đãi mọi người.

 

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Rưng rưng Trường Sa



(Sáng nay báo Tuổi Trẻ đăng một mẩu trên chuyên mục Chuyện thường ngày, có thể nhiều bạn chưa đọc. Mình post lại để cả nhà cùng đọc nhé!)
  
TT - Anh Bút Bi thân mến, tôi kể anh nghe chuyện này. Tôi vừa về từ Trường Sa. Anh hiểu được cuộc chia tay của người đất liền với lính đảo không? Xúc động lắm, dằn lòng lắm. Vậy mà tôi không khóc. Nhưng chiều nay tôi đã khóc ở một tiệm ảnh.
Anh Bi à, ở Trường Sa, mỗi khi lên đảo, tôi nói với những người lính rằng để tôi chụp hình, về đất liền tôi sẽ phóng ảnh và gửi cho mẹ, cho vợ, cho người yêu, cho con... của những người lính ấy. Tôi chụp từ Trường Sa Đông sang Phan Vinh, từ Đá Tây, Đá Lát, từ Tiên Nữ qua Thuyền Chài...
Này là hình anh Bốn gửi cho chị gái ở Kim Sơn, này anh Phương gửi chị ở Ninh Bình, này anh Bình gửi mẹ ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, này Khánh gửi bố ở Thanh Hóa... Những người lính chỉ mong một điều: những tấm hình khiến gia đình gần gụi nhau hơn qua ngàn trùng đại dương.
Chiều nay, khi ra tiệm rửa hình, chị chủ tiệm đưa cho tôi xấp hình, cỡ hình to hơn tôi đặt, được ép plastic cẩn thận. Tôi ngạc nhiên: “Em phóng hình cỡ nhỏ và không ép mà chị?”. Chị cười: “Nhìn hình chị biết, coi những tấm bảng địa danh trong hình là biết em chụp lính ở Trường Sa và gửi cho gia đình các anh lính ở quê chứ gì? Chị không ra được Trường Sa, cho chị góp chút tình!”. Chị còn trách sao không chụp nhiều hơn...
Tôi bật khóc như một đứa trẻ con ngay trong cửa tiệm. Ôi Trường Sa! Ôi Hoàng Sa! Mỗi tấc đất của Người trong mỗi dòng máu Việt luôn là niềm thao thức khôn nguôi!
                                                                                         NĂM QUẢNG TRỊ

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Góc nhớ


Như là một thói quen, cuối tuần nào tôi cũng về Hội An. Dù chẳng có việc gì quan trọng, vẫn hối hả chạy về với phố, về lại chốn xưa để tìm cho lòng mình chút bình yên dù biết rằng khoảnh khắc ấy thật mong manh. Về chỉ để đảo qua nhà, nhìn thấy mẹ vẫn khỏe,vẫn đi ra đi vào quét tước cái sân,vẫn luôn miệng mắng con chó , chửi con mèo hàng xóm hay quậy phá, vậy là yên tâm. Về chỉ để sà vào một gánh hàng rong bên vỉa hè, hay góc chợ, ăn một chút gì của phố cho thỏa cơn thèm rồi tạt vào quán cà phê góc phố ven đường, kêu một ly đen đá, ngồi ngắm thiên hạ đi qua mà nghe lòng mình lắng lại.
Phố - là một góc nhớ trong tôi. Nỗi nhớ không cồn cào, không thúc ép nhưng da diết và thấm sâu vào từng hơi thở của tôi. Phố trong tôi là những gánh hàng rong với tiếng rao không thể lẫn vào đâu được khi tôi còn là một đứa trẻ háo hức đòi quà. Phố trong tôi là những chiều muộn đạp xe từ Cửa Đại về qua những cánh đồng dừa nước sẫm màu nghe trong tiếng lá reo những lời tình tự từ ngày trái tim bồi hồi những nhịp đập đầu tiên. Phố trong tôi là tiếng đàn guitar bập bùng trong những đêm trăng sáng, đám con trai con gái trong xóm ngồi hát với nhau những bản tình ca Trịnh Công Sơn, những ca khúc da vàng mà nghe tình yêu đất nước trào dâng trong huyết quản.. . Và phố trong tôi là những tiếng mắng mỏ tôi là đứa mất gốc của anh Nguyễn Sự khi lâu lâu không thấy tôi ghé về thăm anh. Để rồi khi hai anh em ngồi nói với nhau đủ thứ trên trời dưới đất bên ly cà phê, và khi dắt xe về còn nghe anh dặn với theo : “Mi chạy xe cẩn thận nghe. Mi làm chi thì thiệt thân mi chứ con Bầu, con Bí là ko ai lo”. Nghe anh dặn mà lòng mình rưng rưng. Và anh là chỗ để mình tìm về mỗi khi thấy hoang mang, chống chếnh trước những thay đổi của thế thái nhân tình, của thời cuộc . Chỗ dựa tinh thần ấy cần thiết cho mình biết bao. Phố của tôi chỉ có vậy, nhưng là chỗ để tôi tìm về nương náu mỗi khi thấy lòng bất an. Phố ơi, muôn đời vẫn là một góc nhớ trong tôi

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Tin nhắn của con gái



Trưa nay ngủ dậy, mẹ nhận được tin nhắn của con " Chuc me Mother's Day vui ve. Con co mua nem Tuy Hoa ve cho me do", rồi con gái lại nhắn" O nha me,di Ut, em Bi co nho con ko? Con co mua qua cho em Bi". Tin nhắn của con làm mẹ thấy vui và ấm áp trong lòng. Hai hôm nay cọn đi tham quan với trường, nhà mình vắng lặng hẳn đi. Bữa ăn nào cũng thừa thức ăn, dì Út cứ nói " Ko có con Bầu cái gì cũng dư". Hì hì, ở nhà dì Út toàn gọi Bầu là cái máy xay thôi.
 Hôm nhà trường gửi giấy về nhà để xin cho con được cùng đi tham quan với các bạn đạt giải HS giỏi TP, con muốn đi nhưng lại ngần ngừ " Mẹ ơi,con thích đi với các bạn , vì sang năm lên lớp 10 mỗi đứa một nơi, nhưng nộp nhiều tiền quá,tội mẹ, hay là thôi,con ở nhà với mẹ". Mẹ đã đồng ý cho con đi,vì con đã cố gắng rất nhiều trong việc học , con đã giữ lời hứa với mẹ, mẹ tự hào về con. 
 Mẹ nhớ Bầu, ăn cũng nhớ, ngủ cũng nhớ, nhưng mẹ ko nhắn tin , mẹ để Bầu đi chơi với bạn bè và thầy cô thật vui. Vậy mà con vẫn nhớ hôm nay là ngày của mẹ để nhắn tin cho mẹ . Chỉ chừng đó thôi, mẹ đã thấy cuộc sống của mẹ có ý nghĩa thật  nhiều rồi con gái ạ. Yêu con lắm, con gái của mẹ.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Qua Hải Vân Quan


Chiều chiều mây phủ Ải Vân
Chim kêu gành đá ngẫm thân lại buồn( Ca dao)
Từ ngày đèo Hải Vân có hầm đường bộ , khoảng cách con đèo dài 21 km từ Đà Nẵng đi Huế được rút ngắn gần 15km. Và con đèo có tiếng là hiểm trở nhất dải Trường Sơn này cũng trở nên hiền lành hơn bởi lượng xe cộ giảm hẳn. Tai nạn không còn là nỗi lo canh cánh bên lòng của cánh  lái xe đường dài Nam Bắc nữa mỗi khi qua lại Hải Vân. 
Bây giờ thì đường đèo Hải Vân trở thành một tuyến đường du lịch khá thơ mộng với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Một bên là đường đèo trập trùng, có gió rì rào thổi, có suối chảy róc rách, một bên là biển xanh đến ngút mắt với những con sóng bạc đầu ngày đêm miệt mài vỗ vào chân núi. Mỗi lần có việc đi Huế, nếu ko gấp gáp, mình thường rủ bạn bè đi đường đèo lên đỉnh uống cà phê. Không biết có ai đã uống cà phê trên đỉnh Hải Vân lần nào chưa? Mình thì lần nào qua Hải Vân quan cũng phải uống một ly cà phê đen . Ngồi uống từng ngụm cà phê đen, nghe cái lạnh se se ngấm vào da thịt, ngắm mây bay trên đỉnh núi và tưởng như có thể quờ tay mà nắm được những dải mây trắng quanh quất bên mình, tưởng như cuộc đời không còn gì thú vị hơn. Cà phê trên đỉnh Hải Vân rẻ mà ngon. Bốn ngàn đồng một ly đen, nước chè thì uống thoải mái , và có thể ngồi bao lâu tùy thích. Nếu muốn hưởng cảm giác thư thái ấy, các bạn cứ thử một lần đi qua Hải Vân xem thử mẹ Bầu Bí cảm nhận có đúng không nhé Mây trắng và sương mù bảng lảng trên Hải Vân đệ nhất hùng quan.